Đòi hỏi trái luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

ANTD.VN - Là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982, Việt Nam luôn coi UNCLOS là cơ sở pháp lý để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình, đồng thời phản bác mọi yêu sách biển trái với quy định của công ước.

Trung Quốc đã triển khai trái phép trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Những yêu sách phi lý trong chiến lược “độc chiếm Biển Đông”

Trước việc Trung Quốc lưu hành một số công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản bác, đồng thời khẳng định các yêu sách chủ quyền phi lý đó không phù hợp luật pháp quốc tế, trái với quy định của UNCLOS.  

Thời gian gần đây, Biển Đông lại có dấu hiệu “nóng” lên. Cùng với những hành động gây hấn trên thực địa như đâm chìm tầu cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, tiếp tục quân sự hóa quần đảo Trường Sa khi triển khai trái phép ít nhất 1 máy bay trinh sát quân sự KQ-200 tại Đá Chữ Thập, lắp đặt 2 trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa, trong các công hàm gửi LHQ gần đây, Trung Quốc liên tục nhắc lại những yêu sách phi lý như đòi chủ quyền với các quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, coi Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông, đòi chủ quyền với một số bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi ở Biển Đông…

Đây không phải là điểm mới mà chỉ là diễn biến mới nhất trong chiến lược “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc. Sau khi “Đường lưỡi bò” bị Tòa trọng tài thường trực LHQ bác bỏ, Trung Quốc tìm cách đưa ra khái niệm “Tứ Sa”, bao gồm quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, Đông Sa (Pratas) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfields). Đồng thời, Bắc Kinh cũng yêu sách đầy đủ các vùng biển: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với các nhóm quần đảo này.

Chưa kể đến việc khái niệm “Tứ Sa” xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thì những yêu sách liên quan đến “Tứ Sa” hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS.

UNCLOS đã quy định chỉ có quốc gia quần đảo mới có quyền thiết lập đường cơ sở quần đảo bao quanh và từ đó thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Trường Sa, Hoàng Sa không phải quốc gia quần đảo nên không thể có đường cơ sở.

Tháng 6-2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cũng nêu rõ không một thực thể nào của Hoàng Sa và Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. 

Liên quan đến cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung Quốc đòi hỏi ở Biển Đông, UNCLOS đã quy định rất rõ rằng, muốn gọi là “vùng biển lịch sử” thì phải đáp ứng ba yếu tố, gồm nhà nước cai quản khu vực, cai quản trong thời gian dài và cuối cùng là được các nước láng giềng chấp nhận yêu sách hàng hải. Trung Quốc thậm chí không đáp ứng được một trong ba yếu tố đó thì làm sao có “quyền lịch sử”. Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực tháng 6-2016 cũng đã kết luận rõ ràng việc Trung Quốc yêu sách quyền chủ quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” trong phạm vi “đường lưỡi bò” là vi phạm các quy định của UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý. 

Như vậy có thể thấy những yêu sách mà Trung Quốc đưa ra trong các công hàm gửi LHQ gần đây rõ ràng trái với quy định UNCLOS, đồng thời xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam. 

Nêu cao vai trò UNCLOS trong giải quyết tranh chấp

Việc Trung Quốc liên tục có các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế trên biển, trong đó có vùng biển của Việt Nam, đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế đã làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật, trở thành tiền lệ nguy hiểm đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. 

Trên thực tế, Việt Nam luôn thể hiện là thành viên có trách nhiệm của UNCLOS. Ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn UNCLOS năm 1994, Việt Nam đã nỗ lực tiến hành phân định biển với các quốc gia trong khu vực dựa trên các nguyên tắc được quy định trong Công ước. Đây chính là một nội dung quan trọng của việc thực thi Công ước, góp phần tạo ra môi trường hòa bình và ổn định giữa các quốc gia, đảm bảo để các quốc gia có được các vùng biển theo quy định của Công ước và có thể tiến hành khai thác, bảo tồn tài nguyên ở các vùng biển đó.

Trong giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả UNCLOS, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý. Trong khi chưa giải quyết được bất đồng, Việt Nam chủ trương kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

Không những thế, Việt Nam còn là một thành viên tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Khi bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam luôn kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, tôn trọng UNCLOS”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam cũng đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN; đồng thời tham gia đàm phán một cách thiện chí, mang tính xây dựng về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với các quy định của UNCLOS.

Quan điểm rõ ràng, nhất quán, mang tính xây dựng của Việt Nam được dư luận thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực. Đây là cơ sở để Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp biển đảo với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán, trong đó có Trung Quốc, một cách hòa bình.