Độc lập, tự chủ trong đường lối quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

ANTD.VN - Nhìn lại lịch sử 75 năm xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, có thể khẳng định rằng, chính sự kiên định với định hướng độc lập, tự chủ trong đường lối và chính sách quốc phòng đã giúp Việt Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình để phát triển.

Độc lập, tự chủ trong đường lối quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa ảnh 1Tàu 016 - Quang Trung của Việt Nam tham gia Diễn tập thực địa ADMM+ về an ninh hàng hải tại Singapore

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 mà Bộ Quốc phòng mới công bố, khẳng định rõ: “Việt Nam không chủ trương tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế...”.

Nguyên tắc độc lập, tự chủ trong đường lối và chiến lược quốc phòng

Với vị trí địa lý quan trọng trong khu vực, Việt Nam là cầu nối trên đất liền giữa phần lớn nhất của lục địa Á - Âu với khu vực Đông Nam Á đa sắc tộc, giàu tài nguyên. Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm trên tuyến hành lang đường biển thuộc diện quan trọng nhất của thế giới, bảo đảm gần 50% khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường biển trên toàn cầu. Những ưu thế trên cùng tài nguyên phong phú, dân số đông lại khá trẻ… đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có vị trí địa - chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực và trên thế giới.

Song, cũng chính vì vị trí địa - chính trị quan trọng đó mà dân tộc Việt Nam thường xuyên phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, và do đó có rất ít thời gian hòa bình để xây dựng đất nước. Trong cuộc đối đầu sinh tử với những kẻ thù hùng mạnh, dân tộc ta một mặt không sợ hy sinh xương máu để giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, mặt khác luôn phát huy tự chủ, sáng tạo trong chính sách, chiến lược hòa hiếu, “cân bằng” với các nước để có hòa bình xây dựng đất nước.

Thực tế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trong thế kỷ XX, sở dĩ nhân dân ta giành được thắng lợi to lớn chính là nhờ thực hiện đường lối quân sự độc lập, tự chủ, gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện về mọi mặt của Đảng. Lịch sử chiến tranh của Việt Nam cũng khẳng định, chỉ khi có chính nghĩa chúng ta mới giành được thắng lợi, mà muốn có chính nghĩa thì phải giữ cho được độc lập, tự chủ. Chính việc phát huy sức mạnh nội lực, tự lực, tự cường mới là yếu tố quyết định tạo ra nguồn sức mạnh to lớn nhất, vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc. 

Đúng là trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã từng tồn tại liên minh chiến đấu như “Liên minh chiến đấu 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia”. Đây là liên minh mang tính tự vệ, chính nghĩa trong vai trò như một trong những phương thức bảo vệ Tổ quốc vào thời điểm nhất định. Nhưng trong lịch sử cũng như lý luận quân sự Việt Nam, cho đến nay không có khái niệm “liên minh quân sự” để chống lại nước thứ ba, hoặc như là một giải pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. 

Nhìn lại lịch sử, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước bè bạn, nhưng chúng ta không tham gia khối Warszawa - Liên minh quân sự của Liên Xô và các nước Đông Âu để làm đối trọng với Khối quân sự NATO của Mỹ và các nước Tây Âu.

Từ khi đất nước hòa bình, thống nhất đến nay, Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời khẳng định nguyên tắc độc lập, tự chủ trong đường lối chính trị và chiến lược quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta. 

Sự đoàn kết có sức mạnh gấp nhiều lần liên minh quân sự

Trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó Biển Đông đã trở thành một trong những “điểm nóng” phức tạp nhất về lợi ích liên quan đến nhiều nước, có những ý kiến cho rằng chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo. Có người thì đặt câu hỏi: Phải chăng đã đến lúc Việt Nam nên từ bỏ chính sách “3 không” là “không tham gia các liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam”?.

Trước hết, phải thấy rằng quốc phòng Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Theo đó, tất cả những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực đều là đối tác hợp tác quốc phòng của Việt Nam. 

Chúng ta không tham gia liên minh quân sự vì chủ trương nhất quán của Việt Nam là thêm bạn, bớt thù. Liên minh quân sự nghĩa là phải gắn hẳn với một bên, có thể đối đầu với bên khác, tức là chuốc thêm kẻ thù. Việt Nam không đứng về bên nào, chỉ đứng về hòa bình, lẽ phải, công lý, pháp lý quốc tế. 

Thêm vào đó, các nước luôn đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc, không ai đi bảo vệ thay cho nước khác. Thực tế cho thấy, trên thế giới chưa bao giờ một nước nào có thể hy sinh lợi ích của dân tộc mình chỉ vì lợi ích của một dân tộc khác. Không những thế, lịch sử đã chỉ ra rằng, trong một số sự kiện cách mạng Việt Nam, một số nước lớn đã lợi dụng vị trí địa - chính trị của Việt Nam để thỏa hiệp với nhau vì lợi ích dân tộc của họ. 

Nhưng không lựa chọn chiến lược “liên minh quân sự” không có nghĩa là Việt Nam không thể phát triển quan hệ hợp tác về quốc phòng và an ninh với nước khác để bảo vệ Tổ quốc. Không tham gia vào các liên minh quân sự cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta khép mình với thế giới bên ngoài. Thay cho khái niệm liên minh quân sự, Việt Nam có những khái niệm khác, như: “Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”; “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”...

Trong lĩnh vực quốc phòng, chúng ta chủ trương giao lưu, học tập và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trên cơ sở “đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế…”. Theo định hướng đó, hiện nay, Việt Nam có quan hệ hợp tác về quốc phòng, an ninh với nhiều quốc gia, trong đó có Liên bang Nga, Mỹ, Ấn Độ, Australia…, trong các lĩnh vực từ mua sắm vũ khí, thiết bị quân sự; chuyển giao công nghệ; đến cứu hộ, cứu nạn; đào tạo nhân lực...

Về mặt chiến lược, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký các thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng với nhiều nước và tổ chức quốc tế như: Mỹ, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, EU... Việt Nam đã thúc đẩy việc ra đời của ADMM+, một cơ chế hợp tác đa phương nhằm quản lý bất đồng, củng cố hòa bình có vai trò quan trọng bậc nhất hiện nay ở khu vực.

Cũng cần nói rằng, không “liên minh quân sự” nhưng tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Và cuối cùng, Việt Nam tự tin thực hiện chính sách quan hệ đối ngoại quốc phòng độc lập, tự chủ, “3 không” là vì chúng ta có một điều đặc biệt: “ĐOÀN KẾT”. Không chỉ có khối “đại đoàn kết dân tộc” có sức mạnh to lớn chống lại bất cứ một thế lực ngoại bang xâm lược nào, Việt Nam còn có khối “đại đoàn kết quốc tế” trong bảo vệ chủ quyền, độc lập, mang lại hòa bình, ổn định cho đất nước và thế giới. Sự đoàn kết ấy có sức mạnh to lớn gấp nhiều lần so với một liên minh quân sự.