Doanh nhân kỳ công "giải cứu" và tìm kiếm tương lai cho làng cổ Giang Tây

ANTD.VN - Khổng Tử từng nói “Người nào muốn dời một ngọn núi phải bắt đầu từ những viên đá nhỏ”. Doanh nhân Trung Quốc Mã Đại Đông, 44 tuổi, không phải dời núi nhưng đã tự đặt mình vào một sứ mệnh lớn lao, đó là giải cứu những ngôi nhà cổ và cánh rừng long não cổ thụ cả nghìn năm để chúng được bảo tồn trong khu nghỉ dưỡng Amanyangyun vừa khai trương ở Thượng Hải hôm 8-1.

Làng cổ ở Phúc Châu, Giang Tây ngày trước và chiếc cổng bằng đá trong khu nghỉ dưỡng Thượng Hải hiện nay

Trong khoảng 15 năm, ông Mã Đại Đông đã bỏ tiền túi để vận chuyển 50 ngôi nhà có từ thời Minh - Thanh cùng 10.000 cây cổ thụ ở Giang Tây về Thượng Hải. Quá trình này vô cùng tốn kém, công phu và có thể coi là ví dụ điển hình về tấm lòng tự nguyện bảo tồn di sản trong lịch sử Trung Quốc gần đây.

Sứ mệnh tự thân

Lúc 22 tuổi, Mã Đại Đông rời quê nhà là thành phố Phúc Châu, tỉnh Giang Tây đến Thượng Hải làm ăn. Từ thành công ban đầu trong ngành quảng cáo, doanh nhân trẻ này đã mở rộng, đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh và hiện là Chủ tịch Thượng Hải Gu Shan, một công ty quản lý đầu tư và công ty bất động sản Thượng Hải Gu Yin. Dù chưa xuất hiện trên bất kỳ danh sách tỷ phú nào do hãng Forbes bầu chọn, người ta đồn ông Mã Đại Đông là một tỷ phú.

Còn nhớ năm 2002, ở tuổi 29, Mã Đại Đông về quê thăm cha mẹ. Trong chuyến thăm này, ông được biết chính quyền có dự án xây hồ chứa nước thủy điện Liao Fang, đồng nghĩa với việc các ngôi làng cổ và nhiều cây long não nghìn năm quanh khu vực sẽ bị nhấn chìm trong nước.

“Bản năng đã nói với tôi phải làm gì đó để giải cứu mọi thứ trong khu vực sẽ trở thành hồ chứa nước này. Tôi biết đó là điều phải làm nhưng vẫn chưa có mục tiêu rõ ràng”, Mã Đại Đông tâm sự. Khi đó, doanh nhân này vừa chuyển nhượng công ty quảng cáo của mình, vì thế ông có nguồn lực về tài chính để thực hiện sứ mệnh tự đặt ra. Dù ông Mã không lên tiếng xác nhận nhưng dự án này có lẽ cũng tiêu tốn hàng triệu USD.

Nói thì dễ vậy nhưng việc di chuyển hóa ra là một “núi” công việc với rắc rối ngoài dự kiến liên tục nảy sinh. “Toàn bộ quá trình giống như đào một cái giếng, bạn không biết chính xác đào sâu bao nhiêu mét thì có nước, nhưng chắc chắn là bạn sẽ có nước nếu cứ tiếp tục đào”, doanh nhân Mã Đại Đông chia sẻ.

Vượt qua thách thức

Mỗi ngôi nhà của làng cổ Giang Tây được làm từ khoảng 100.000 viên đá nên cần được tháo rời một cách cẩn thận. Ông Mã đã đi khắp nơi để tuyển được một đội ngũ hơn 200 người thợ thực hiện nhiệm vụ này. Đó là những người thợ biết về kỹ thuật làm nhà truyền thống mà công nhân xây dựng thời hiện đại không mấy người nắm rõ.

Trong khi đó, các chuyên gia thực vật học đã được mời tham gia việc di chuyển cây. Một trong những phần việc quan trọng là xây dựng đường và cầu mới để cho phép những chiếc xe tải lớn và máy móc có thể vào để đánh và chở những cây long não khổng lồ, một số cao 20m và nặng tới 80 tấn. “Ngôi làng nằm trong một vùng núi toàn đường nhỏ, quanh co và xe tải lớn không thể chạy qua. Hơn thế, việc di dời không phải là không nguy hiểm. Khi trời mưa to, nước lũ tràn về, có thể lật cả xe tải và phá hủy các cây cầu được xây tạm thời để tiếp cận các làng bản xa xôi”, ông Mã kể. 

Ngày nay, khu vực các ngôi làng cổ ở Phúc Châu đã chìm trong nước. Doanh nhân Mã Đại Đông nói rằng, đơn giản là ông cảm thấy hài lòng khi đã giải cứu một mảng lịch sử có thể sẽ mất hết dấu vết trong lòng hồ chứa nước.

Doanh nhân Mã Đại Đông quyết định lưu giữ các ngôi nhà đã tháo dỡ trong một nhà máy sản xuất điều hòa không khí cũ mà ông sở hữu ở ngoại ô Thượng Hải và nhắm tới một vùng đất rộng 200.000m2 gần đó để dưỡng cây cổ thụ. Nhóm đã chạy hết tốc lực tới Thượng Hải để mỗi cây có cơ hội sống sót tốt nhất. Thực tế, dự án này đã huy động hàng chục chiếc xe tải chạy liên tục trong suốt 12 tháng.

Sau khi bị nhổ rễ, hệ thống rễ cây chằng chịt cần được tưới nước liên tục cũng như bảo vệ để không bị ánh nắng mặt trời chiếu vào. Nhờ sự tận tâm của đội ngũ chuyên gia thực vật, 80% số cây sống sót sau cuộc hành trình và chỉ hơn 1.000 cây trong số đó giờ được dựng lên trong khu nghỉ mát Aman. Những cây khác sẽ góp phần hình thành nên một công viên mới để mở cửa cho công chúng.

Hàng trăm cây long não cổ thụ cũng đã hồi sinh ở vùng đất mới

Tìm tương lai cho quá khứ

Đến năm 2005, mọi thứ đã được di dời đến ngoại ô Minhang, cách trung tâm thành phố Thượng Hải khoảng 30km nhưng tương lai của kho hiện vật khổng lồ này vẫn chưa được định đoạt. “Khi tất cả số cây cổ thụ được đưa tới Thượng Hải, rất nhiều người ngỏ ý muốn mua chúng. Nhưng tôi không thể bán dù chỉ một cây bởi vì tôi muốn tất cả các cây được ở bên nhau. Tôi lớn lên trong công ty sản xuất kẹo xung quanh là những ngôi nhà và cây cối này, vì thế tôi có mối giao cảm và cảm xúc với chúng”, ông Mã tâm sự. Năm đó, ngoại trừ việc thí nghiệm sử dụng một số vật liệu làm nhà cổ vào mô hình nhà hiện đại có tên “Concept House”, ông Mã Đại Đông ra lệnh cất kỹ toàn bộ phần nguyên liệu đã di dời trong kho và chờ đợi.

Bất ngờ vào năm 2011, tập đoàn khách sạn quốc tế Aman ký một thỏa thuận với ông Mã Đại Đông để chuyển đổi những ngôi nhà trong làng cổ ở Giang Tây có tuổi đời 300 đến 500 năm cùng một số cây cối thành dự án khu nghỉ dưỡng và công viên công cộng. Họ biết đến doanh nhân này khi ông Mã Đại Đông có một cuộc gặp thú vị với người sáng lập khách sạn Aman ở Indonesia và cựu Chủ tịch Adrian Zecha.

Chi tiết hợp đồng dù không được tiết lộ nhưng sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng từ đầu năm 2018 này, khu resort Amanyangyun có 24 biệt thự sân vườn và 13 villa có 4 phòng ngủ với những khoảng sân truyền thống. Khi bước qua lớp cửa bên ngoài bằng đá cổ xưa, du khách sẽ có cảm giác vừa quen vừa lạ, bởi mặc dù kết hợp với vật liệu cổ nhưng cấu trúc phòng ít tương đồng so với những ngôi nhà có từ hàng thế kỷ trước. Khu nghỉ dưỡng Amanyangyun cách Thượng Hải khoảng 45 phút lái xe, giá phòng trung bình từ 1.000-9.000 USD/đêm.