Điều tra án mạng trên biển - vẫn là vùng tối

ANTĐ - Người đi biển đối mặt với không ít rủi ro bất ngờ, phần nhiều do yếu tố tự nhiên nhưng không ít trường hợp mối nguy hiểm đến từ chính con người. Mỗi năm, những vụ bạo lực trên biển đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người trên thế giới nhưng thực trạng báo động này vẫn nhận được ít sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Điều tra án mạng trên biển - vẫn là vùng tối ảnh 1

Mỗi năm, hàng trăm người thiệt mạng trong các vụ bạo lực trên biển

Đoạn video gây sốc

Đoạn video bắt đầu bằng cảnh một người đàn ông đang bập bềnh trên sóng nước, nhưng vẫn cố gắng giơ tay lên hàng trước khi bị bắn vào đầu. Cảnh tiếp theo xuất hiện trong đoạn video dài 6 phút 58 giây này là số phận tương tự với 3 người khác. Có thể đếm được ít nhất 40 viên đạn đã được bắn ra, nhằm vào những người đàn ông không có vũ khí ở dưới nước.

Ngay sau đó, một nhóm người trên boong tàu, hình như là thủy thủ đoàn tàu cá, cười sảng khoái, rồi chụp ảnh tự sướng. Mặc dù có hàng chục nhân chứng xuất hiện trên ít nhất 4 con tàu, nhưng vụ việc này vẫn là bí ẩn. Các quan chức thực thi pháp luật chỉ biết về vụ việc sau khi đoạn video được tìm thấy trong một chiếc điện thoại di động bị bỏ quên trên một chiếc xe taxi ở Fiji vào năm ngoái, rồi được đăng tải trên Internet. 

Giới chuyên gia phỏng đoán rằng chỉ có 1 tay súng, rất có thể là nhân viên bảo vệ được thuê trên tàu cá, đã bắn chết các nạn nhân bằng súng tự động. Mùa hè năm ngoái, cảnh sát Fiji đã khép lại cuộc điều tra, lý do là sự việc không xảy ra ở nước mình, không liên quan tới tàu của nước mình và cũng không có ngư dân Fiji nào nằm trong số các nạn nhân.

Từ đoạn video trên, cơ quan quản lý ngư nghiệp Đài Loan nhận định rằng, những người bị bắn chết là thành viên của một nhóm hải tặc, định tấn công các tàu cá nhưng không thành. “Đây chỉ là một vụ giết người xảy ra trên biển và câu hỏi đặt ra là vì sao nó được phép xảy ra?” - Klaus Luhta, một luật sư và là chuyên gia hàng hải, nói.

Rủi ro của nghề đi biển

Vụ việc trên chỉ là một trong số ví dụ điển hình của nạn bạo lực trên biển ngày càng gia tăng với số lượng nạn nhân lên đến hàng nghìn người mỗi năm. Năm ngoái, tại 3 khu vực Tây Ấn Độ Dương, Đông Nam Á và Vịnh Guinea ngoài khơi Tây Phi đã có hơn 5.200 người đi biển bị những tên cướp tấn công và hơn 500 người bị bắt làm con tin.

Tỉ lệ phạm tội liên quan tới các tàu cá cao hơn tới 20 lần so với tàu chở dầu, chở hàng hoặc chở khách, chuyên gia hàng hải Charles N. Dragonette cho biết. Trong khi đó, 5 năm qua, đã có gần 100 thủy thủ và ngư dân bị giết mỗi năm tại các vùng biển ở Bangladesh. Năm 2013, báo chí Bangladesh đưa tin về việc đã có hơn 700 ngư dân bị bắt cóc ngoài vùng biển nước này, trong đó 40 ngư dân bị sát hại. 

 Thủ phạm gây ra các vụ bạo lực, giết người trên biển có thể là những tên cướp biển được trang bị súng phản lực chống tăng, các nhóm trộm nhiên liệu hay bọn cướp cầm dao rựa tấn công chớp nhoáng, nhưng cũng có một số thủ phạm là nạn nhân của các sự vụ khác. Ví dụ, 10 người di cư Sri Lanka, có cả phụ nữ và trẻ em, được bọn buôn người vận chuyển trái phép trên một tàu đánh cá hồi năm 2012.

Khi yêu cầu đổi hướng tới Australia nhưng không được, nhóm người di cư đã tấn công các thủy thủ, ném 2 người xuống biển. Hay như 3 ngư dân Myanmar bị giam cầm trên một tàu đánh cá Thái Lan hồi năm 2009 tìm cách trốn bằng cách nhảy xuống biển, bơi tới một chiếc du thuyền gần đó, giết chết chủ nhân chiếc du thuyền và đánh cắp thuyền cứu hộ.

Tuy vậy, việc truy tố các hành vi phạm tội hình sự trên biển là rất hiếm hoi. Một cựu quan chức Hoa Kỳ tin rằng tỷ lệ này chiếm “chưa đầy 1%”, vì nhiều tàu thuyền không có bảo hiểm, nhân chứng ít khi lên tiếng, còn thuyền trưởng không muốn  “dây dưa” đến cuộc điều tra của cảnh sát. Mặt khác, nếu không có thi thể, không có nhân chứng và không có vị trí chính xác về nơi xảy ra vụ nổ súng, sẽ khó có chính quyền sở tại nào đứng ra chịu trách nhiệm tiến hành điều tra vụ việc.