Điệp viên người Iraq dũng cảm xâm nhập vào đội quân đánh bom liều chết của IS

ANTD.VN - Đại úy Harith al-Sudani, một cựu kỹ sư công nghệ máy tính, 36 tuổi có lẽ là điệp viên vĩ đại nhất của Iraq khi là một trong số ít người trên thế giới có khả năng xâm nhập hàng ngũ chóp bu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Điệp viên người Iraq dũng cảm xâm nhập vào đội quân đánh bom liều chết của IS ảnh 1Trên tường bên ngoài nhà Sudani ở Baghdad hiện đăng hình của Đại úy Harith al- Sudani và bài thơ cha anh viết tặng người con trai đã hy sinh

Theo ông Abu Ali al-Basri, Giám đốc cơ quan chống khủng bố của Iraq, thành tích của Đại úy Harith al-Sudani rất ấn tượng: Anh đã giúp ngăn chặn 30 vụ đánh bom xe và 18 vụ đánh bom liều chết, thậm chí còn tạo ra một đường dây trực tiếp nối với một số chỉ huy cấp cao của IS ở Mosul.

Tình nguyện vào hang cọp

Harith sinh ra vốn không phải thích phiêu lưu mạo hiểm hay tham vọng làm điệp viên. Cha anh, ông Abid al-Sudani là một người nghiêm khắc, thường giao việc cho con trai trưởng làm ở cửa hàng in nhỏ của ông sau giờ học. Là sinh viên của Đại học Baghdad, Harith thích cuộc sống tự do, học hành chểnh mảng nên bị đuổi học. Cha anh đã đưa ra một tối hậu thư: hoặc ở trong nhà hoặc bị đuổi khỏi nhà. Thực sự thất vọng vì không thể sống theo cách mình muốn, Sudani tuân theo cuộc hôn nhân sắp đặt rồi trở lại trường học, học tiếng Anh và sau đó là tiếng Nga. Ra trường, anh làm công việc theo dõi hệ thống giám sát cho một cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iraq.

Sau khi chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, phong trào nổi dậy nổi lên khắp nơi, Iraq gần như ngày nào cũng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố. Khi đó, ông Abu Ali al-Basri, Giám đốc tình báo tại Văn phòng Thủ tướng, đã lập ra một đơn vị tình báo đặc biệt. Năm 2006, ông đã tuyển dụng 16 người ưu tú từ các đơn vị quân đội và học viện cảnh sát của Iraq. Đơn vị mới đó được gọi là Al Suquor hay Falcon. 

Munaf, em trai của Harith sớm đứng trong hàng ngũ Falcon. Thấy anh trai mình chán việc, chủ yếu chơi điện tử hoặc la cà hàng quán, Munaf rủ anh gia nhập đơn vị mình, thuyết phục rằng với kỹ năng máy tính và ngôn ngữ, anh là một ứng viên hấp dẫn. Harith  al-Sudani đã ứng tuyển và năm 2013 được giao nhiệm vụ giám sát lưu lượng truy cập web cũng như các cuộc gọi điện thoại của các nghi phạm khủng bố.

Mùa hè năm 2014, nhóm thánh chiến tự xưng là Nhà nước Hồi giáo IS đã chiếm được những khu vực rộng lớn của Iraq và Syria. Falcon được giao thực hiện một nhiệm vụ mới: cử điệp viên thâm nhập vào IS. Harith al-Sudani tình nguyện đi, có lẽ bởi anh ám ảnh bởi hình ảnh của trẻ em bị sát hại trong các cuộc tấn công của IS. 

Hồi nhỏ, gia đình Sudani đã sống ở Ramadi, vùng trung tâm của người Hồi giáo Sunni ở Iraq. Nói giọng Ramadi với Harith không thành vấn đề nhưng vốn là người Shiite, anh không quen với các nghi lễ của người Sunni. Vì vậy, anh đã phải miệt mài học lại Kinh Qur'an, ghi nhớ những câu được những kẻ theo thánh chiến yêu thích cũng như những bài thánh ca mà bọn chúng sử dụng để cầu nguyện và giết chóc.

Harith al-Sudani sau đó đóng giả là Abu Suhaib, một người thất nghiệp sống tại khu phố chủ yếu là người Sunni ở Baghdad. Nhiệm vụ của anh là thâm nhập vào sào huyệt của IS ở Tarmiya, một thị trấn gần ngã tư trên đường những kẻ đánh bom tự sát tiến về Thủ đô. 

Sứ mệnh ngăn chặn các vụ đánh bom khủng bố

Một đêm tháng 9-2015, Harith đi vào khu đền ở Tarmiya nơi quân IS có cuộc họp mặt. Anh ở đó cả ngày, lâu hơn những gì anh và cấp trên lên kế hoạch. Munaf khi đó thuộc nhóm theo sát anh trai mình cứ ngỡ có chuyện chẳng lành. Kết quả ngoài mong đợi, Abu Suhaib được chào đón và chuyển đến sống ở Tarmiya.

 Sau vài tuần được huấn luyện về tôn giáo và chất nổ, Abu Suhaib tức Harith al-Sudani được một thủ lĩnh cấp cao của IS ở Mosul giao nhiệm vụ cho tham gia đường dây đánh bom tự sát ở Baghdad. Nhóm này tin rằng là một người gốc Baghdad, anh sẽ giúp đưa các kẻ đánh bom qua các trạm kiểm soát an ninh dễ dàng.

Trong các cuộc gọi điện thoại hàng tuần, tướng lĩnh ở Mosul ra lệnh cho Harthi al-Sudani gặp những kẻ đánh bom tự sát được IS cử đến Tarmiya hoặc nhận bom xe. Mỗi lần như vậy anh đều cảnh báo cho Falcon, nhiệm vụ của họ là ngăn chặn các âm mưu tấn công khủng bố này trước khi quân IS có thể tới Baghdad. Cụ thể, mỗi khi Harith lái xe bom, một chiếc xe của đồng đội theo sau, sử dụng thiết bị gây nhiễu để chặn tín hiệu vào kíp nổ của quả bom, thường được điều khiển từ xa bằng điện thoại di động.

Qua liên lạc bằng điện thoại hoặc ngôn ngữ cơ thể, đồng đội sẽ dẫn Harith đến nơi an toàn để họ có thể vô hiệu hóa quả bom. Nếu trên xe có kẻ đánh bom liều chết, họ sẽ dụ hắn ra khỏi xe để xử lý. Sau đó, Falcon sẽ gây ra các vụ nổ giả và đưa tin như thật, đôi khi tuyên bố thương vong lớn, một phần giữ vỏ bọc cho Đại úy Harith al-Sudan được an toàn.

Đến giữa năm 2016, trong một lần làm nhiệm vụ, Harith al Sudani tranh thủ tạt qua nhà trong một chuyến thăm hiếm hoi, đúng lúc chỉ huy IS gọi hỏi anh ở đâu. Trích dẫn tọa độ GPS của điện thoại, tay chỉ huy đó bảo anh nói dối. Thấy nguy cơ bị lộ, Munaf nói với anh mình đã đến lúc kết thúc nhiệm vụ nhưng Harith từ chối.

Thử thách và trận đánh cuối cùng

Đến tháng 12-2016, IS bị đánh bại trên nhiều mặt trận, phải đấu tranh để giữ thành trì cuối cùng Mosul. Phản ứng của chúng là thực hiện các cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn hơn, gây ra tình trạng lộn xộn khắp nơi để phô trương thanh thế. Vào ngày 31-12, chỉ huy Mosul nói với Harith al-Sudani rằng anh đã được chọn tham gia vào cuộc tấn công đêm Giao thừa, phối hợp với loạt vụ đánh bom tại nhiều thành phố trên thế giới.

 Hôm đó, Harith lái chiếc xe KIA trắng hướng về khu phố phía Đông Baghdad. Như thường lệ, anh liên lạc với Falcon, từ đường cao tốc chính của thành phố rẽ vào căn nhà an toàn của Falcon. Điện thoại của anh reo lên. Chỉ huy Mosul lại gọi hỏi vị trí của anh. Harith nói dối là anh bị nhầm đường rồi cho xe trở lại mục tiêu là khu chợ al Jdeidah. Anh báo cho đồng đội cần phải gặp nhau ở địa điểm gần với khu vực dự kiến tấn công hơn. Tại điểm hẹn mới, 8 người lao vào tháo dỡ kíp nổ điện tử của các quả bom chằng khắp xe. Chỉ trong vài phút, Harith al-Sudani đã trở lại đường chính và đỗ xe tại vị trí đã định.

Phương tiện truyền thông cho hay, ngay trước nửa đêm giao thừa, một chiếc xe tải màu trắng đã phát nổ bên ngoài rạp chiếu phim Al Bayda ở khu vực buôn bán sầm uất al Jdeidah của Baghdad, không gây thương vong. Nhiệm vụ của Đại úy Harith al-Sudani đã hoàn thành nhưng điều anh không biết là IS đã cài 2 con bọ trên xe và nghe được toàn bộ cuộc trò chuyện của anh với Falcon.

Đầu tháng 1-2017, IS giao cho Đại úy Harith Sudani một nhiệm vụ khác, không ngờ đó lại là trận đánh cuối cùng của anh. Harith được cử đến một trang trại ngoại ô Tarmiya. Nó quá xa để theo dõi và không có lối thoát dễ dàng. Sáng 17-1, anh tới trang trại và đến khi mặt trời lặn vẫn không thấy tung tích.

Tarmiya khi đó vẫn là thành trì của IS nên phải 3 ngày sau, lực lượng an ninh Iraq mới có thể đột kích vào trang trại. Lục soát khắp khu vực, họ không thấy dấu hiệu của Harith al-Sudani. 6 tháng sau, Falcon mới phát hiện thiết bị nghe lén trong xe tải. Đến tháng 8-2017, IS phát hành một video tuyên truyền cho thấy cảnh hành quyết các tù nhân bị bịt mắt. Falcon tin rằng Đại úy Sudani nằm trong số này.

Thị trấn Qaim, nơi được cho là giam giữ Harith al-Sudani được giải phóng vào tháng 11-2017. Một đội của Falcon đã cố gắng tìm nơi có thi thể của điệp viên này nhưng không thấy. Vì chưa tìm thấy hài cốt của anh, gia đình không có được giấy chứng tử, điều kiện để làm thủ tục cho người có công với đất nước. “Đó là vết thương trong trái tim tôi. Anh ấy đã sống và chết vì đất nước. Đất nước nên trân trọng điều đó”, ông Abid Al-Sudani nói. 

“Hãy tưởng tượng bạn lái một chiếc xe tải chứa 300 kg thuốc nổ. Bạn cứ nghĩ có thể chết bất cứ lúc nào. Vậy mà anh ấy đã làm điều đó nhiều lần”, Munaf kể về áp lực tinh thần mà anh trai mình gánh chịu. Đã vậy, Harith al-Sudan thường xuyên vắng nhà, duy chỉ có bố và em trai biết về cuộc đời bí mật của anh. Vợ anh, Raghad Chaloob, nghĩ rằng chồng mình bỏ bê vợ và 3 đứa con. “Thật tiếc là anh ấy đã không nói với vợ. Có lẽ anh sợ tôi sẽ lo lắng nếu biết sự thật. Không ai muốn con trai mình lớn lên mà không có cha”, chị Raghad Chaloob nói.