Dịch vụ hỗ trợ trực tuyến cho người dân bị khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở Nigeria

ANTD.VN - Ước tính, những cuộc xung đột ở Nigeria trong thời gian qua đã khiến hơn 20.000 người thiệt mạng, hơn 1,8 triệu người dân phải di cư. Theo Bộ Y tế Nigeria, ít nhất 3 trong số 10 người Nigeria có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng không được điều trị kịp thời do thiếu trầm trọng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Những trung tâm tư vấn tâm lý di động ở Nigeria

Trung tâm điều trị tâm thần trên những chiếc xe “kekes” 

Nhiều người Nigreia sống sót cho hay, có triệu chứng căng thẳng sau chấn thương. Tuy nhiên, chỉ có một bệnh viện sức khỏe tâm thần ở phía Đông Bắc - Bệnh viện Thần kinh Liên bang ở Maiduguri, thành phố lớn nhất ở bang Borno. Và giống như các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần khác thuộc sở hữu của Chính phủ ở Nigeria, bệnh viện thường trong tình trạng quá tải. Ở Maiduguri, gần như tất cả cư dân đều bị ảnh hưởng bằng cách nào đó bởi việc sử dụng bạo lực tàn bạo của nhóm chiến binh bao gồm hành quyết, bắt cóc, đốt phá và hãm hiếp.

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, có 17 vụ tự tử/100.000 người dân ở Nigeria, cao thứ 7 ở châu Phi. Trước tình trạng này, các tổ chức phi lợi nhuận đang tìm cách thức mới để tiếp cận với những người cần sự chăm sóc đặc biệt thông qua các buổi trị liệu trực tuyến trên Twitter hoặc tiếp cận cộng đồng trên những chiếc xe ba bánh. 

“Chiến tranh, những cuộc di cư đang khiến Nigeria phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang gia tăng. Nigeria cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các tổ chức để đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Chúng tôi nỗ lực để luôn là những người đầu tiên đưa ra lời khuyên khi người dân Nigeria cần sự giúp đỡ. MANI đã thiết lập một đường dây nóng ngăn chặn tự sát”. 

Chuyên gia Rasheedat Olarinoye (Tổ chức hỗ trợ sức khỏe tâm thần Mentally Aware Nigeria Initiative - MANI)

Tổ chức phi lợi nhuận NEEM được thành lập nhằm giải quyết những vấn đề ở phía Đông Bắc Nigeria với nhiệm vụ rất rõ ràng là ngăn chặn chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Các cố vấn và bác sĩ tâm thần di chuyển trên những chiếc xe ba bánh được gọi là “kekes” đến nhiều khu vực để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các gia đình di tản, cựu chiến binh Boko Haram và những người sống sót sau bạo lực. Năm ngoái, hơn 7.000 khách hàng ở Borno đã nhận được dịch vụ tư vấn và trị liệu tâm lý từ NEEM.

“Nigeria đang thiếu hụt trầm trọng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân ở khu vực Đông Bắc. NEEM ra đời để giải quyết vấn đề này. Sự hỗ trợ tâm lý từ các chuyên gia của chúng tôi sẽ giúp bệnh nhân giảm căng thẳng”, ông Chinyereugo Udensi, một nhà tâm lý học lâm sàng của NEEM nói. Một số cựu chiến binh Boko Haram nói rằng, họ đã bị bắt cóc, phải tham gia nhóm chiến binh, buộc phải lựa chọn chiến đấu hoặc bị giết. Một số người rời khỏi nhóm, được tái hòa nhập xã hội nhưng không được đánh giá sức khỏe tâm thần hoặc theo dõi riêng. 

NEEM tập trung đặc biệt vào việc tiếp cận trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh bằng cách thực hiện các buổi tư vấn tại trung tâm dành riêng cho trẻ em và thanh thiếu niên bị chấn thương. Gần đây, NEEM cũng quyết định mở một trung tâm đào tạo tâm lý ở Maiduguri. Tại đây, người học, phần lớn là sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành khoa học được đào tạo theo một chương trình kéo dài 9 tháng.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua mạng xã hội 

Nigeria hiện chỉ có 8 cơ sở điều trị tâm thần trên cả nước nên rất cần đến sự chung tay của các tổ chức phi lợi nhuận. Với khoảng 103 triệu người Nigeria sử dụng Internet, các tổ chức phi Chính phủ đang tìm cách mới để tiếp cận khách hàng cần hỗ trợ về sức khỏe tâm thần. Mentally Aware Nigeria Initiative (MANI) là một trong số đó. MANI cung cấp phần lớn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua mạng xã hội với các nền tảng như Whatsapp và Twitter. 

Mowunmi Olanrewaju (26 tuổi), chuyên viên nghiên cứu về môi trường đô thị ở thành phố Lagos cho hay, cô đã tìm được sự hỗ trợ trực tuyến kịp thời khi rơi vào trầm cảm. Khi Olanrewaju có ý định tự tử, cô đã được các chuyên gia của MANI tư vấn thông qua tin nhắn trực tiếp trên Twitter. “Đó là thời điểm mà tôi cảm thấy như mọi thứ xung quanh sụp đổ. Tôi luôn lo lắng về tương lai, về quá khứ và không chắc chắn về những gì mình muốn. Năm 2014, vào buổi sáng ngày sinh nhật, bỏ qua tất cả các cuộc gọi và tin nhắn, một cảm giác buồn và cô đơn cùng cực khiến tôi muốn tự tử. Một người bạn khuyên tôi nên tìm đến bác sĩ tâm thần nhưng điều đó quá xa xỉ ở Nigeria này. Mức giá 70 USD mỗi lần khám quá cao so với thu nhập của người dân 

Nigeria”, Mowunmi Olanrewaju kể lại. Rất may mắn, Olanrewaju được các chuyên gia tâm lý của MANI tư vấn qua Twitter. “Nhờ có MANI,  tôi đã có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống”, Mowunmi Olanrewaju nói thêm.