Di sản của Tony Blair
Thủ tướng Tony Blair trên đường phố London. |
Những ngày này, con số 10 tròn trĩnh thường gắn với cái tên Thủ tướng Anh Tony Blair. Nó là mốc thời gian đánh dấu 10 năm ông nắm quyền và cũng là 10 năm Công Đảng cầm quyền liên tục. Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown đã tỏ ra rộng lượng đến bất ngờ khi cho ông Blair điểm 10/10 về những việc đã làm được ở số 10 phố Downing (Phủ thủ tướng Anh).
Đánh giá của cánh tay phải của ông Blair được báo chí đăng tải sau khi có tin cho biết ông Blair sẽ tuyên bố rời nhiệm sở vào thứ năm tuần tới (10/5). Nhưng rồi người ta lại hiểu ngay ra sự hào phóng của ông Brown. Tại cuộc họp báo tối 1/5, chính miệng thủ tướng Anh tuyên bố ông Brown “rất có thể trở thành thủ tướng Anh” kế nhiệm ông. Thì ra điểm 10/10 chẳng qua chỉ là một ngón nghề ve vuốt của chính trị gia lão luyện Gordon Brown.
Vài năm trở lại đây, cử tri Anh đã chứng kiến mối quan hệ không “xuôi chèo mát mái” giữa họ. Nhưng nay Gordon Brown đang tăng tốc chuẩn bị cho sự xuất hiện chính thức trên cương vị người đứng đầu chính phủ. Ông nghĩ cử tri Anh muốn thấy một lãnh đạo tiềm năng của Công Đảng cầm quyền phóng khoáng, biết “kính trên nhường dưới”.
Trong bức “tâm thư” đăng trên The Sun - một tờ báo lá cải có ảnh hưởng lớn ở Anh, ông Brown nhắc lại những thành tựu của ông Blair. Đó là London giành được đăng cai Thế vận hội 2012, đó là lời tuyên bố “vai kề vai” với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9/2001, đó là sự mạnh mẽ vững chãi của ông Blair khi London bị khủng bố tấn công ngày 7/7/2005, đó là bài diễn văn thuyết phục trong Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G8) tại Scotland về giải quyết nạn đói toàn cầu và biến đổi khí hậu, đó là lần đầu tiên có thể có một thỏa ước hòa bình cho Bắc Ireland. Và còn nhiều nữa.
Nhưng những di sản tốt đẹp này không được người dân Anh nhớ đến nhiều. Tờ The Independent đưa ra một con số có phần châm biếm. Trong số mười người được hỏi thì có đến bảy người nói rằng họ sẽ nhớ đến Tony Blair vì cuộc chiến ở Iraq. Nước Anh là một trong những nước sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Mỹ trong việc đưa quân đến can thiệp ở Kosovo, Sierra Leone hay Afghanistan. Nhưng chiến trường Iraq với sứ mệnh tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố không phải là “miếng bánh ngon” cho quân đội nước ngoài. Báo chí Anh hằng ngày đều đăng tải đậm nét những thông tin về con số thương vong của binh lính Anh. Nước Anh sa lầy trong cuộc chiến, và việc giải quyết hậu quả được xem là gánh nặng cho người kế nhiệm Brown.
Từ thủ tướng trẻ nhất nước Anh với nụ cười trai tráng mười năm trước, Tony Blair bây giờ có dấu hiệu của sự mệt mỏi và mái tóc muối tiêu. Không thể phủ nhận ông đã lập những kỷ lục mà còn rất lâu nữa những người kế nhiệm mới có thể đuổi kịp: người của Công Đảng nắm quyền thủ tướng lâu nhất, người duy nhất dẫn Công Đảng giành thắng lợi ba kỳ bầu cử liên tiếp, thủ tướng duy nhất của Công Đảng nắm quyền hơn một nhiệm kỳ liên tục. Ông Brown và ông Blair cũng lập một kỷ lục: có mối quan hệ lâu dài nhất (10 năm) giữa một thủ tướng và bộ trưởng trong vòng 200 năm trở lại đây ở Anh.
Nhưng cử tri Anh đang muốn gương mặt tươi mới hơn trên chính trường. Mười năm nắm quyền của Công Đảng đủ để cử tri Anh cảm thấy chán và muốn thay đổi. Vì vậy, 10 năm cầm quyền của ông Blair, 10 năm sát cánh bên ông Blair phần nào đó là một bất lợi cho ông Brown.
Theo VnMedia