Để không còn những đứa trẻ nguy hiểm vì mưu sinh trong mỏ mica

ANTD.VN - Những tháng mùa khô, các gia đình nghèo ở bang Jharkhand, Đông Bắc Ấn Độ lại dắt díu nhau rời làng đi tìm kiếm vận may. Dưới lòng đất của bang Jharkand và Bihar này là nguồn mica mà rất nhiều công ty đa quốc gia mua lại để có thể sản xuất từ son môi của Hãng L'Oréal tới sơn dùng cho Hãng ô tô BMW và Volkswagen. 

Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2017, trên 1.300 tấn mica được chuyển tới Đức qua Cảng Kolkata. Tuy vậy, khoảng 80% lượng mica xuất khẩu từ khu vực này có nguồn gốc từ các loại mỏ không chính thức. Khi tìm được một mỏ mica đầy hứa hẹn, những đàn ông ở Jharkand đào hầm bằng búa và xà beng, phụ nữ và trẻ em có nhiệm vụ phân loại khoáng vật. Khai thác hết công suất, họ tìm chỗ khác. Vì thế, quanh khu vực này có rất nhiều những cái hốc bị bỏ lại, nhỏ thì như hang thỏ, lớn giống như đường hầm. 

Để không còn những đứa trẻ nguy hiểm vì mưu sinh trong mỏ mica ảnh 1Vì quá nghèo, nhiều gia đình buộc phải đưa con vào cùng làm việc trong các mỏ mica

Nguy hiểm vì mưu sinh

Các cửa hàng đại lý tập trung quanh con phố dọc chợ Jhumri Tilaiya là một trong những trung tâm buôn bán mica lớn nhất trong khu vực. Ở đây chỉ có người già trông hàng, họ sử dụng kéo lớn tách từng lớp trong khối vật liệu. Chỉ cần có người hỏi, khoảng 20-30 nam giới sẽ tiếp cận chào mời. Nhưng nguyên liệu mica mà các đại lý này rao bán đến từ đâu và ai bán cho họ?

Nhiều người trong số các thợ mỏ là Adivasi, thành viên của một tộc người bản địa Ấn Độ. Những người khác là Dalit, xếp vào hàng ngũ “tiện dân”, mức thấp nhất trong hệ thống đẳng cấp của người theo đạo Hindu. Cả hai nhóm là một trong những người nghèo nhất trong những người nghèo. Rất ít người có đất đai nên họ phải trả tiền mới được quyền khai thác. Khó khăn, nguy hiểm đến đâu họ cũng chấp nhận vì cuộc sống mưu sinh.

Trầy xước và gãy xương là tai nạn phổ biến ở các mỏ mica này. Chưa kể, người dân rất sợ loài bọ cạp hay nấp dưới các tảng đá, rồi bụi thạch anh mà họ hít phải. Buổi tối, khi trở về nhà, rất nhiều người bị ho. Thực tế, không ít người bị hen suyễn và bệnh phổi, nguyên nhân dễ dẫn đến bệnh lao và ung thư. Như một vòng luẩn quẩn, các gia đình rơi vào cảnh nợ nần vì phải trả tiền thuốc chữa bệnh. Để giải quyết các khoản nợ đó, họ phải khai thác mica nhiều hơn, trong đó trẻ em từ 6-7 tuổi đã bắt đầu ra công trường lao động.

Giải pháp chấm dứt lao động trẻ em

Tổ chức phi Chính phủ Bachpan Bachao Andolan (BBA), với người sáng lập là ông Kailash Satyarthi - người được nhận giải Nobel Hòa bình cho cuộc chiến chống lại lao động trẻ em vào năm 2014, đã giám sát tình hình các mỏ mica trong nhiều năm. Tài liệu của BBA chỉ ra tại đây mỗi tháng có khoảng 10-20 trường hợp tử vong do bị sập hầm.

 Một nguồn cung cấp tin của BBA cho hay, ngành kinh doanh mica có “văn hóa của sự im lặng”. Ví dụ, một phụ nữ gặp nạn tử vong trong đường hầm khai thác mica nhưng bác sĩ giúp che giấu bằng cách kết luận nguyên nhân trên giấy chứng tử là “rơi từ tầng 2 của nhà xuống đất”. Có thể bác sĩ muốn tránh bị điều tra do liên quan đến mỏ khai thác lậu. Trong khi đó, người dân càng không muốn báo cáo chính quyền vì chỉ sợ họ sẽ mất đi nguồn sống.

Liệu có giải pháp nào cho thực trạng này? Công ty duy nhất hiện tuyên bố mua mica độc quyền từ các mỏ hợp pháp là hãng hóa chất Merck của Đức, một trong những nhà nhập khẩu mica lớn nhất Ấn Độ. Đầu năm nay, Merck cùng với các Hãng H&M, Chanel và Philips đã thiết lập Sáng kiến Mica có trách nhiệm. Mục tiêu chung của họ là chấm dứt lao động trẻ em trong các mỏ mica vào năm 2022, sau đó, các doanh nghiệp cam kết sẽ chỉ mua mica từ các nguồn hợp pháp.

Ban lãnh đạo của Merck cho rằng, một khi các doanh nghiệp đăng ký khai thác hợp pháp, nguồn mica bán ra có nguồn gốc minh bạch thì mọi người đều có lợi, thậm chí giá thu mua nguyên liệu còn tăng lên. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ các ông chủ mỏ, đội ngũ khai khoáng và cả cơ quan quản lý.