Dấu hiệu Nga - Mỹ bí mật thỏa hiệp vấn đề Ukraine

ANTĐ - Theo mạng tin của Tổ chức Phân tích thông tin tình báo “Stratfor”, quan hệ “băng giá” giữa Nga và phương Tây vì vấn đề Ukraine đang có những dấu hiệu khả quan. 

Dấu hiệu Nga - Mỹ bí mật thỏa hiệp vấn đề Ukraine ảnh 1

Giao tranh vẫn diễn ra tại Ukraine

Ngày 20-1, một quan chức của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk cho biết vùng lãnh thổ ly khai thân Nga này để ngỏ khả năng thỏa hiệp đối với vấn đề tiến hành bầu cử địa phương tại Donbas - điểm mấu chốt trong tiến trình thực thi Thỏa thuận Minsk.

Denis Pushilin, người đại diện cho nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tham dự cuộc gặp của nhóm tiếp xúc với Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết phía ông “phải đưa ra sự nhượng bộ và hối thúc Chính phủ được phương Tây ủng hộ tại Kiev cũng có sự nhượng bộ tương tự”.

Những tuyên bố kiểu này có thể chỉ là những phát biểu khoa trương sáo rỗng, nhất là đặt trong bối cảnh chiến sự giữa các lực lượng ly khai và an ninh của Ukraine trong mấy ngày gần đây diễn ra ác liệt. Tuy nhiên, có một số lý do để nghiêm túc xem xét tuyên bố của ông Denis Pushilin nếu như theo dõi các động thái liên quan đến các cuộc đàm phán rộng hơn giữa Washington và Moskva. 

Một trong những diễn biến đó là cuộc gặp bất ngờ giữa bà Victoria Nuland, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu - Á và cố vấn Tổng thống Nga Vladislav Surkov ngày 15-1. Trong chuyến công du tới các nước Lithuania, Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, ban đầu bà Victoria Nuland không có kế hoạch gặp ông Vladislav Surkov; tuy nhiên, bà đã bay tới biên giới Lithuania và vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga để hội đàm với ông Surkov, người có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Cuộc hội đàm kéo dài 4 giờ đồng hồ này đã trở thành chủ đề được truyền thông đồn đoán rất nhiều.

Một số học giả và giới chuyên gia phân tích cho rằng cuộc gặp đã đem lại một “thỏa thuận bí mật” giữa Mỹ và Nga xung quanh cuộc xung đột Ukraine. Một số người cho rằng Donbas sẽ chính thức là một phần của Ukraine, song được trao quy chế đặc biệt và được phép thực thi chính sách đối ngoại riêng; số khác lại cho rằng Nga sẽ nhượng bộ để Ukraine kiểm soát biên giới của họ cùng với các lãnh thổ ly khai. Trong khi đó, truyền thông Nga nhấn mạnh vào các cuộc đàm phán Mỹ - Nga liên quan đến vấn đề Ukraine theo hướng gây tác động tới các cuộc đàm phán trong tương lai cũng như gây mâu thuẫn giữa Washington và Kiev bằng cách khiến Ukraine nghĩ rằng Mỹ đang mặc cả trên lưng họ. 

Những thông tin đồn đoán dĩ nhiên có độ tin cậy không cao, thậm chí không được “gán” cho quan chức Nga hay Ukraine giấu tên nào. Tuy nhiên, cuộc gặp Victoria Nuland - Vladislav Surkov diễn ra đúng vào lúc còn có những diễn biến khác cũng được xem là dấu hiệu cho thấy cả Nga lẫn phương Tây đều muốn phá vỡ thế bế tắc cho tiến trình đàm phán. Đơn cử đầu năm nay Moskva đã bổ nhiệm ông Boris Gryzlov - quan chức an ninh có nhiều ảnh hưởng tại Điện Kremlin làm đại diện mới của Nga tham gia các cuộc đàm phán của nhóm tiếp xúc Minsk.

Việc bổ nhiệm này có thể là dấu hiệu cho thấy Moskva tham gia các cuộc đàm phán với thái độ nghiêm túc và mang tính xây dựng hơn so với trước đây. Trong khi đó, phía EU thường xuyên kêu gọi Kiev thực hiện những nghĩa vụ của họ trong Thỏa thuận Minsk. Một nhân tố khác có thể thúc đẩy việc đạt được sự thỏa thiệp cho vấn đề Ukraine là hiện trạng nền kinh tế Nga. Giá dầu lao dốc tác động nặng nề lên nền kinh tế Nga. Mặt khác, một số nước châu Âu, trong đó có Đức và Italia, muốn thúc đẩy một thỏa thuận có thể chấm dứt cuộc xung đột ngay sát lãnh thổ phía Đông đồng thời bãi bỏ những lệnh trừng phạt cũng gây hại cho chính nền kinh tế của họ.

Mặc dù những diễn biến kể trên cho thấy có sự tiến triển trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Ukraine, song vẫn còn một trở ngại rất khó vượt qua. Kiev đang bị mắc kẹt giữa các lực lượng ly khai thân Nga và những tổ chức dân tộc theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Do chính quyền Ukraine đã yếu sẵn, nên họ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn nếu quá nghiêng về một trong hai bên. Đồng thời, Thỏa thuận Minsk vẫn bị diễn giải theo những cách khác nhau, với một bên là Ukraine và phương Tây, bên kia là quân ly khai và Nga. 

Chính cách diễn giải khác nhau này cùng với động cơ địa chính trị ngầm của Nga, đó là thiết lập một vùng đệm tại quốc gia thuộc Liên Xô trước đây và việc Mỹ buộc phải ngăn cản Nga tạo một vùng đệm như vậy - là những cản trở lớn đối với tiến trình giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài gần 2 năm nay. Tuy nhiên, dù chưa thể nói là sắp có bước khai thông, song rõ ràng đang có những dấu hiệu chứng tỏ các cuộc đàm phán sắp tới giữa Washington và Moskva là đặc biệt quan trọng, cần phải theo dõi trong những tuần tới đây.