"Đảo chính nhỏ" bị đè bẹp: Cần lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela

ANTD.VN - Đối thoại và hòa giải được xem là con đường đúng đắn đưa đất nước Venezuela thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay, chứ không phải giải pháp bạo lực như tiến hành đảo chính.

"Đảo chính nhỏ" bị đè bẹp: Cần lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela ảnh 1Những người biểu tình hậu thuẫn thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đối mặt với lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro được bầu hợp pháp

Cuộc “đảo chính nhỏ”, theo như lời của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nói về cuộc binh biến do thủ lĩnh đối lập Juan Guaido phát động, đã thất bại khi ông Nicolas Maduro vẫn vững vàng trên vị trí được người dân Venezuela bầu lên với sự ủng hộ và trung thành của quân đội. Song âm mưu đảo chính bất thành này đã thêm một lần nữa đẩy đất nước Venezuela lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng vốn đã kéo dài nhiều năm qua.

Cuộc binh biến bắt đầu ngày 30-4 khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido - người tự xưng làm Tổng thống lâm thời Venezuela, bất ngờ lên tiếng kêu gọi “một cuộc nổi dậy của quân đội” nhằm lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro trong một video được quay tại căn cứ Không quân Francisco de Miranda, hay còn được gọi là La Carlota, ở trung tâm Thủ đô Caracas. Tuyên bố của ông Juan Guaido đã lập tức “châm ngòi” cho cuộc đụng độ giữa một nhóm binh sĩ và người biểu tình hậu thuẫn thủ lĩnh phe đối lập và binh sĩ Chính phủ cũng như người dân ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro.

Dù “cuộc đảo chính” nhỏ đã bị “đè bẹp” như tuyên bố không lâu sau đó của Tổng thống Nicolas Maduro nhưng cũng đã dẫn tới những hậu quả khá nặng nề. Chưa có thống kê chính thức cuối cùng về số thương vong, nhưng thông tin ban đầu cho biết ít nhất 71 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng Tổng thống Nicolas Maduro và lực lượng hậu thuẫn Tổng thống Nicolas Maduro.

Giá đắt phải trả cho âm mưu đảo chính bất thành không chỉ ở con số những người bị thương mà còn khiến cuộc khủng hoảng toàn diện tại Venezuela thêm trầm trọng, đào sâu thêm hố chia rẽ sâu sắc cả trong và ngoài quốc gia Mỹ Latinh này. Cuộc khủng hoảng toàn diện cả về chính trị - kinh tế - xã hội của Venezuela gia tăng tỷ lệ thuận với sự trỗi dậy của lực lượng đối lập trong nước cũng như các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt từ bên ngoài.

Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ năm 2010 dưới thời Tổng thống Hugo Chavez và tiếp tục dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro. Nền kinh tế suy giảm với tỷ lệ tới 20% mỗi năm đã làm cho đời sống người dân Venezuela ngày càng thêm khó khăn, khiến gần 90% dân số hiện sống trong cảnh nghèo khổ và hơn 2,3 triệu người phải rời khỏi đất nước đi lánh nạn.

Chính vì thế, dù có những tiếng nói, quan điểm chia rẽ theo hướng ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro hoặc thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, song đại đa số ý kiến cho rằng đối  thoại và hòa giải mới là giải pháp đúng đắn nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Venezuela hiện nay. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên ở Venezuela kiềm chế tối đa nhằm tránh bạo lực và bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố, lên án mọi hình thức bạo lực và kêu gọi các bên ở Venezuela kiềm chế tối đa để tránh leo thang căng thẳng. EU tái khẳng định hòa giải chính trị, hòa bình và dân chủ là giải pháp duy nhất cho tình hình tại Venezuela hiện nay.

Người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha Isabel Celaa cảnh báo, không nên “đổ máu” tại Venezuela, đồng thời khẳng định không ủng hộ bất kỳ cuộc đảo chính quân sự nào mà chỉ ủng hộ giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela. Thủ tướng Anh Theresa May cũng nhấn mạnh cần “tập trung vào một giải pháp hòa bình” cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này.