Đằng sau vụ đánh bom "kép" kinh hoàng ở Ankara

ANTĐ - Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực đẫm máu khi diễn ra hàng loạt vụ đánh bom khủng bố tại Thủ đô Ankara và nhiều nơi khác giữa lúc quân chính phủ đẩy mạnh chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd đòi ly khai.

Đằng sau vụ đánh bom "kép" kinh hoàng ở Ankara ảnh 1Những người biểu tình ôn hòa thiệt mạng nằm la liệt trong vụ đánh bom ngày 10-10

Ngày 11-10, ngày đầu tiên trong lễ quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ ít nhất 97 người thiệt mạng trong vụ đánh bom liên hoàn trước đó một ngày, hàng nghìn người đổ ra các đường phố tại Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ  biểu tình phản đối Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan. Những người biểu tình chỉ trích Chính phủ không thể đảm bảo an toàn cho đoàn tuần hành hòa bình ngày 10-10 tại Ankara mà theo thông tin do Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd, một trong những nhóm tổ chức cuộc biểu tình công bố là số người thiệt mạng trong cuộc đánh bom đẫm máu thậm chí đã lên tới hơn 120 người.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn công bố số người thương vong trong vụ đánh bom kép ngày 10-10 ít hơn con số do truyền thông đăng tải, song khẳng định chắc chắn cho rằng vụ tấn công là “hành động khủng bố”. Hiện vẫn chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom nhưng theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, lực lượng đòi ly khai người Kurd hoặc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong nhiều năm qua tại nước này.

Cho dù kẻ nào đứng đằng sau thì vụ đánh bom “kép” tại Ankara vẫn là lời cảnh báo về những mối đe dọa ngày một nghiêm trọng mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt trong bối cảnh nước này đẩy mạnh cuộc chiến chống cả lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đòi ly khai và IS tại khu vực biên giới giáp với Iraq và Syria. Trong đó, đặc biệt là việc chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 2 năm để triển khai lại chiến dịch quân sự chống các tay súng PKK đòi ly khai từ tháng 7 vừa qua.

Việc chính quyền Tổng thống Erdogan nối lại cuộc tấn công quân sự nhằm vào PKK không chỉ khiến dư luận trong và ngoài nước lo ngại mà còn còn gây ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng nội bộ. Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) Ali Haydar Konca và Bộ trưởng Phát triển Muslum Dogan đã từ chức để phản đối Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại các tay súng PKK.

Hai bộ trưởng gốc người Kurd này khi từ chức đã lớn tiếng chỉ trích Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống Erdogan và rời khỏi cuộc họp nội các thảo luận về chiến dịch quân sự chống PKK. Hai quan chức cấp cao này cho rằng chiến dịch truy quét từ tháng 7 của quân đội nhằm vào các tay súng PKK đã tạo ra tình cảnh “hết sức tồi tệ” trong nước, đặc biệt là tại các thành phố có người Kurd sinh sống.

Ngay cả các đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố là EU và Mỹ cũng phải công khai bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng căng thẳng leo thang ở nước này, đồng thời hối thúc Ankara có phản ứng “phù hợp” với lực lượng PKK để không ảnh hưởng đến cuộc đối thoại chính trị giữa chính quyền với PKK. Đại diện của EU và Mỹ cùng chung quan điểm rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền phản ứng với các phần tử khủng bố song “cách làm phải phù hợp”, đặc biệt không được làm phương hại tới tiến trình đối thoại chính trị ở nước này.

Bạo lực đáp trả bạo lực, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cuốn vào vòng xoáy đầy nguy hiểm.