Đằng sau tuyên bố gây sốc của Tổng thống Pháp: "NATO đang chết não"

ANTD.VN - Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Economist tuần vừa rồi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thẳng thắn nói: “Những gì chúng ta đang chứng kiến là việc NATO bị chết não”. Bình luận gây sốc này cho thấy mối quan hệ rạn nứt giữa các cường quốc trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo các nước châu Âu, họ giờ đây không còn có thể trông cậy vào Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh, và hiện đang không có một sự phối hợp nào trong việc “đưa ra các quyết định chiến lược” giữa các nước thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). “Không hề có. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - đã có hành động tấn công dù không có sự đồng thuận ở khu vực mà các lợi ích của chúng ta gặp rủi ro. Chúng ta đang chứng kiến tình trạng NATO chết não” - ông Macron trả lời phỏng vấn của tờ Economist.

Đằng sau tuyên bố gây sốc của Tổng thống Pháp: "NATO đang chết não" ảnh 1Tổng thống Pháp nhiều lần kêu gọi châu Âu thành lập quân đội riêng để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ

Mỹ quay lưng với đồng minh

Theo Tổng thống Pháp, dấu hiệu cho thấy Mỹ quay lưng lại với NATO là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột quyết định rút quân khỏi Đông Bắc Syria vào tháng               10-2019 mà không hề tham vấn ý kiến của các đồng minh. Động thái này khiến cho các cường quốc NATO ở châu Âu như Pháp, Anh và Đức hết sức bất ngờ, đồng thời dọn đường cho Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự xuyên biên giới nhắm vào các lực lượng người Kurd ở Syria.

Ông Macron tỏ rõ thất vọng trước việc NATO không có phản ứng trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và nói rằng, đã đến lúc châu Âu nên dừng việc hành động như một cấp dưới của Mỹ ở Trung Đông. Phát biểu của Tổng thống Pháp ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Thủ tướng Đức Angela Merkel. “Tổng thống Pháp đã tìm được những từ khá quyết liệt để thể hiện quan điểm. Đó không phải là điều tôi thấy về tình trạng hợp tác của NATO” - bà Merkel nói trong cuộc họp báo cùng ngày ở Berlin với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng phản bác quan điểm của Tổng thống Pháp. “Tôi nghĩ rằng NATO vẫn là một đối tác quan trọng, có lẽ là tổ chức đối tác chiến lược quan trọng nhất trong lịch sử” - ông Pompeo nói trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Vị quan chức Mỹ nhắc lại quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về sự cần thiết của tất cả các thành viên NATO để thực hiện nghĩa vụ tài chính của họ nhằm đảm bảo khả năng phòng thủ tập thể.

Dấu hiệu của sự rạn nứt

Những bình luận của ông Macron được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm trước thềm hội nghị thượng đỉnh đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày thành lập liên minh NATO tại London vào tháng tới. Nó cho thấy mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” của những đồng minh vốn được coi là liên minh quân sự hàng đầu thế giới. 

Mối quan hệ giữa Mỹ và NATO trở nên căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump khi ông liên tục thúc ép các đồng minh phải tăng chi phí đóng góp cho tổ chức. 

Trong khi một số Tổng thống Mỹ đã than phiền về chi tiêu của Mỹ cho liên minh trong những năm qua (bao gồm cả ông Barack Obama và George W. Bush) thì không ai thẳng thắn như ông Trump. Ngay từ chiến dịch bầu cử năm 2016 của mình, Tổng thống Trump đã gắn mác NATO là “lỗi thời”. Trong nhiệm kỳ của mình, ông cũng liên tục phàn nàn về số tiền đóng góp không tương xứng giữa các thành viên. “Sẽ là không công bằng khi nhiều nước còn ở rất xa cam kết 2%, trong khi Mỹ đang chi trả cho 90% của NATO” - ông Trump nhấn mạnh hồi tháng 7-2019.

Sự thất vọng của Tổng thống Trump với NATO dường như bắt nguồn từ khái niệm hợp tác tập thể và đa phương kể từ sau Thế chiến II. Thực tế, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi hàng loạt các thỏa thuận đa phương như Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và ông cũng đang chống lại Tổ chức Thương mại thế giới với quan điểm “Nước Mỹ lên trên hết”.

Mối quan hệ gắn kết của Tổng thống Donald Trump với NATO phần nào cũng bị phai nhạt bởi tình cảm đặc biệt của ông dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. NATO cũng e ngại là với việc giảm chi, chính quyền Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên liên minh, một bước đi sẽ phá vỡ quan niệm về phòng thủ tập thể vốn là trung tâm của NATO và chắc chắn điều này sẽ làm Matxcơva thích thú.