Đằng sau thông điệp ca ngợi kinh tế Triều Tiên của ông Donald Trump

ANTD.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump như muốn tạo thêm không khí thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đang bị “treo” khi bất ngờ lên tiếng ca ngợi nền kinh tế Triều Tiên vốn vẫn được xem là bí ẩn với thế giới.

Đằng sau thông điệp ca ngợi kinh tế Triều Tiên của ông Donald Trump ảnh 1Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là điều được cả thế giới trông chờ

Trên kênh thông tin ưa thích quen thuộc mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-5 đã bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng to lớn của Triều Tiên và lạc quan rằng quốc gia Đông Bắc Á này sẽ phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Người đứng đầu nước Mỹ đưa ra thông tin được cho là sự khích lệ tích cực về Triều Tiên trong bối cảnh giới chức hai quốc gia này lại đang tất bật làm việc hết công suất để tìm cách nối lại cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau khi ông chủ Nhà Trắng bất ngờ tuyên bố hủy vào ngày 24-5 vừa qua.

Cũng không phải ai khác mà đích thân Tổng thống Donald Trump cho biết phái đoàn của Mỹ đã tới Triều Tiên để tiếp tục dàn xếp việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Phái đoàn này của Mỹ trong cùng ngày 27-5 đã có cuộc gặp các quan chức Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm) để thảo luận về khả năng vẫn tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến vào ngày 12-6 tới tại Singapore. 

Việc Tổng thống Donald Trump đột nhiên “đăng đàn” để đưa ra tuyên bố tích cực về Triều Tiên được xem là động thái tung thêm “chất xúc tác” để níu giữ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. Hội nghị mà trước đó chỉ 3 ngày ông Donald Trump đã tuyên bố hủy bỏ trong bức thư gửi tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vốn được cả thế giới trông đợi của Tổng thống Donald Trump vào ngày 24-5 khiến không ít người ngỡ ngàng. Song, theo giới phân tích, đó là quyết định “cực chẳng đã” của người đứng đầu Nhà Trắng khi ông thấy cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên khó có thể đạt được mục tiêu mong muốn là Bình Nhưỡng phải hủy bỏ chương trình hạt nhân theo điều kiện của Washington.

Thế nhưng, “cuộc chơi” hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lại diễn biến quá nhanh và bất ngờ khi Bình Nhưỡng thay vì phản ứng giận dữ như thường thấy lại tỏ ra mềm mỏng, ngỏ ý chỉ “treo” cuộc gặp thượng đỉnh được trông chờ này lại chứ không hủy bỏ hẳn. Cơ hội tiếp tục tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lại thắp sáng trở lại khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Panmunjom ngày 27-5.

Ca ngợi “Triều Tiên có tiềm năng tuyệt vời và một ngày nào đó sẽ trở thành một quốc gia có kinh tế và tài chính lớn mạnh” của Tổng thống Donald Trump ngày 27-5 còn được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng cùng ngày 27-5 đã bác bỏ các thông tin của truyền thông Mỹ cho rằng Triều Tiên đang tìm kiếm các hỗ trợ kinh tế của Mỹ để đổi lại phi hạt nhân hóa. Thông điệp trên Twitter của Tổng thống Donald Trump vì thế càng được xem là một cách “lấy lòng” để khích lệ nhà lãnh đạo Kim Jong-un sớm quyết định tới dự cuộc gặp thượng  đỉnh tại Singapore vào ngày 12-6.

Tất nhiên, Triều Tiên chắc chắn không chỉ nhăm nhăm hướng tới viện trợ của Mỹ để từ bỏ chương trình hạt nhân, điều mà nếu muốn họ đã làm từ cả chục năm trước. Đúng là Triều Tiên gặp rất nhiều khó khăn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và thế giới bởi chương trình hạt nhân, nhưng nên biết số liệu mới nhất là Hàn Quốc công bố tháng 7-2017 cho thấy GDP của Triều Tiên vẫn tăng tới 3,9% trong năm 2016, bất chấp bao vây cấm vận.

Tổng thống Donald Trump bằng thông điệp ngày 27-5 rõ ràng đang rất muốn tiếp tục cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, song dường như thế chủ động trong cuộc gặp này không chỉ thuộc về mình ông.