Đằng sau những vụ sát hại nhà báo

(ANTĐ) - Vào một buổi sáng tháng 5-2010, khi chiếc Mazda của nhà báo Lucas Manzanares lăn bánh qua thị trấn Tegucigalpa (Honduras) những kẻ sát hại đã ở trên đường chờ gia đình ông. Đi trên xe cùng nhà báo còn có vợ, con gái và cô cháu gái 6 tuổi. Khi chiếc xe của nhà báo giảm tốc độ trên đoạn đường đông, hai tay súng tăng tốc chiếc xe của chúng vượt lên trước đồng thời dùng súng tự động xả liên tiếp 20 phát đạn vào chiếc xe của nhà báo. May mắn là nhà báo và người vợ của ông đã thoát nạn. Còn con gái và cháu gái của ông đã chết ngay trên xe.

Đằng sau những vụ sát hại nhà báo

(ANTĐ) - Vào một buổi sáng tháng 5-2010, khi chiếc Mazda của nhà báo Lucas Manzanares lăn bánh qua thị trấn Tegucigalpa (Honduras) những kẻ sát hại đã ở trên đường chờ gia đình ông. Đi trên xe cùng nhà báo còn có vợ, con gái và cô cháu gái 6 tuổi. Khi chiếc xe của nhà báo giảm tốc độ trên đoạn đường đông, hai tay súng tăng tốc chiếc xe của chúng vượt lên trước đồng thời dùng súng tự động xả liên tiếp 20 phát đạn vào chiếc xe của nhà báo. May mắn là nhà báo và người vợ của ông đã thoát nạn. Còn con gái và cháu gái của ông đã chết ngay trên xe.

Biểu tình phản đối 1 nhà báo bị sát hại
Biểu tình phản đối 1 nhà báo bị sát hại

Honduras là một đất nước có tỷ lệ những vụ án mạng cao nhất ở Tây bán cầu. Vụ án của nhà báo Manzanares là một trong những vụ sát hại nhà báo tàn bạo nhất từng diễn ra ở đất nước này. Ông Manzanares là một trong những cộng tác viên đắc lực của các tờ báo hàng đầu Honduras. Chính điều này đã khiến trở thành mục tiêu thứ 8 trong giới báo chí bị tấn công trong những tháng qua ở đất nước này. Kể từ đầu tháng 3-2010 đến nay, đã có ít nhất 7 nhà báo bị sát hại dã man giống như trường hợp của nhà báo Manzanares.

Những vụ tấn công nhằm vào các nhà báo diễn ra liên tiếp trong một thời gian ngắn khiến cho nhiều người không khỏi lo ngại rằng một làn sóng bạo lực mới đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng chính trị ở        Honduras, bắt đầu từ sau cuộc đảo chính quân sự mua hè năm 2009. Ông Alfredo Haces, người phụ trách chuyên mục của một tờ báo Honduras, đã phải thốt lên rằng, cánh báo chí chúng tôi không thể hiểu được nguyên do tại sao lại dẫn đến những vụ án mạng như vậy. Và giờ đây, có rất nhiều nhà báo ở đất nước này đang phải sống trong sợ hãi. Đễn nỗi nhiều người đã bắt đầu tính đến chuyện mặc áo chống đạn khi đi tác nghiệp.

Trước tình trạng bạo lực chống lại các nhà báo đang gia tăng ở Honduras, Liên hiệp quốc đã phải ra lời kêu gọi Tổng thống Honduras Porfirio Lobo cho mở những cuộc điều tra toàn diện đối với vụ án mạng của các nhà báo và có những biện pháp đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho các nhà báo đang tác nghiệp. Mỹ cũng bày tỏ sự lo lắng đối với tự do báo chí ở đất nước Mỹ La-tinh này. Nhưng chính quyền của ông Lobo thì khẳng định rằng không có chuyện tự do ngôn luận đang bị đe dọa ở đất nước này, mặc dù đa số những nhà báo bị sát hại trong thời gian qua là những nhà báo chuyên đưa tin về những vấn đề nhạy cảm như chính trị và ma túy.

Bộ trưởng Công an Honduras Oscar Alvarez khẳng định, trong tất cả những vụ án trên không có vụ án nào có dấu hiệu của một nhóm có tổ chức muốn "bịt miệng" các nhà báo. Tuy nhiên, Cơ quan bảo vệ tự do báo chí lại cho rằng, qua sớm để có thể loại trừ khả năng này, đặc biệt là trong tình hình hiện nay chưa có một đối tượng nào bị bắt giữ có liên quan đến những cái chết của các nhà báo. Điều phối viên cao cấp của Ủy ban bảo vệ các nhà báo ở New York, ông Carlos Lauria, cho rằng tuyên bố của  Bộ trưởng Alvarez là vô trách nhiệm và quá vội vàng xét về những tác động của những vụ án này đối với giới truyền thông Honduras và cả những điều còn chưa biết đằng sau những vụ án đó.

Thực tế là những căng thẳng chính trị ở đất nước này đã ảnh hưởng đến giới báo chí. Một trong những nạn nhân là phóng viên Đài phát thanh Nahum Palacios đã nhận được những lời đe dọa từ giới quân sự sau khi cho phát thanh những bản tin chỉ trích cuộc đảo chính. Và đến ngày 14-3, khi Palacios đang trên đường lái xe trở về nhà ở thành phố Tocoa thì bất ngờ bị những kẻ sát hại tấn công, giết chết ngay trên xe. Hai tuần trước đó, phóng viên truyền hình Karol Cabrera, một phóng viên ủng hộ cuộc đảo chính, đã bị một nhóm tấn công tại Tegucigalpa. Cô đã may mắn thoát chết, người bạn đi cùng với cô đã thiệt mạng. Nhưng đến tháng 12-2009, cô con gái của Cabrera đã bị bọn chúng sát hại.

Ở Honduras, chính trị không phải là động cơ duy nhất của những vụ án mạng liên quan đến giới truyền thông. Những vụ án mạng liên quan đến ma túy cũng rất phổ biến. Ở những nước mà tình trạng buôn bán ma túy tràn lan giống như ở Mexico thì các phóng viên cũng là mục tiêu của những băng đảng ma túy. Trước khi bị sát hại tại La Ceiba vào ngày 11-3 vừa qua, phóng viên David Meza đã bị bọn buôn bán ma túy đe dọa do đã đưa tin, bài về các hoạt động của bọn tội phạm ma túy. Những phóng viên khác đưa tin về những hoạt động của các tổ chức tội phạm ma túy ở Honduras cũng thường xuyên gặp nguy hiểm. Và những vụ án mạng nhằm vào các phóng viên là những tín hiệu đe dọa đối với phóng viên khác đang phụ trách mạng tin, bài liên quan đến tội phạm ma túy.

Chưa rõ nguyên nhân do đâu, nhưng mới đây nhất hai phóng viên khác đã nhận được những lời đe dọa từ những tay sát thủ. Có lẽ một thế lực nào đó đang muốn "giữ miệng" giới báo chí ở Honduras.

Hiếu Trung (Theo NYT)