Đằng sau những bê bối của chính khách Pháp
Thủ tướng Francois Fillon |
Các chính khách “mất điểm”
Không những kêu gọi các nhà lập pháp nghỉ hè trong nước, Tổng thống Nicolas Sarkozy còn yêu cầu các thành viên nội các hạn chế tới mức tối đa việc ra nước ngoài trong các kỳ nghỉ, đặc biệt không đi nghỉ bằng kinh phí do chính phủ nước ngoài đài thọ. Ngay sau khi Tổng thống Nicolas Sarkozy công bố quyết định kể trên, nhiều người đã đề cập tới kỳ nghỉ mới đây của ông ở Marốc.
Ông Nicolas Sarkozy đã nghỉ tại một dinh thự thuộc quyền sở hữu của Quốc Vương Mohammed VI theo lời mời của một doanh nghiệp không muốn công bố danh tính. Theo quy định mới được ông Nicolas Sarkozy công bố, mọi chuyến đi nghỉ ở nước ngoài theo lời mời chỉ được tiến hành sau khi Thủ tướng Francois Fillon và Ban Nghi lễ ngoại giao phủ Tổng thống chấp thuận - phải giám sát, kiểm tra xem có phù hợp với chính sách ngoại giao của Pháp hay không. Bộ trưởng Tài chính Francois Baroin cho biết, những quy định minh bạch tương tự cũng được áp dụng đối với Tổng thống. Việc này diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Francois Fillon và Ngoại trưởng Michele Alliot-Marie thừa nhận “đã đi nghỉ bằng sự trợ giúp từ bên ngoài”.
Tuy được tín nhiệm hơn (khoảng 40%) so với Tổng thống Nicolas Sarkozy, nhưng hiện tỷ lệ ủng hộ đối với Thủ tướng Francois Fillon cũng đang có chiều hướng giảm, nhất là sau tuyên bố hôm 8-2. Thủ tướng Francois Fillon thừa nhận, đã cùng gia đình đi nghỉ tại Ai Cập bằng sự đài thọ của Tổng thống Hosni Mubarack (từ 26-12-2010 đến 2-1-2011). Theo giới truyền thông, gia đình Thủ tướng Francois Fillon được Ai Cập tài trợ gần như toàn bộ chuyến đi nghỉ ở nước này.
Nhưng Thủ tướng Francois Fillon cũng tuyên bố, việc người đứng đầu chính phủ sử dụng nhà ở chính thức của nước chủ nhà trong một chuyến đi nghỉ là điều bình thường và đó không phải là dấu hiệu bán rẻ danh dự. Điều đáng nói là ông Francois Fillon từng khuyến khích thành viên nội các sử dụng tàu và các chuyến bay thương mại bất cứ khi nào có thể. Khuyến khích này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Alain Joyandet phải từ chức bởi những tranh cãi xung quanh việc sử dụng máy bay tới một cuộc họp ở Martinique với chi phí lên tới gần 120.000 Euro.
Còn Ngoại trưởng Michele Alliot-Marie đang bị phe đối lập kêu gọi từ chức sau khi thừa nhận dùng máy bay riêng của Aziz Miled, doanh nhân Tunisia có quan hệ gần gũi với Tổng thống vừa bị lật đổ Zine El Abidine Ben Ali. Dư luận và phe đối lập chỉ trích Ngoại trưởng Michele Alliot-Marie bởi bà đến Tunisia đúng lúc bạo loạn đang vào cao điểm. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, bà ngoại trưởng cho biết “lấy làm tiếc vì hành động của mình” và sẽ cân nhắc kỹ việc đi nghỉ ở nước ngoài khi còn là thành viên nội các. Lãnh đạo đảng Xã hội Martine Aubry cho rằng, Pháp đã mất đi sự minh bạch sau “lời thú tội” của Thủ tướng Francois Fillon và Ngoại trưởng Michele Alliot-Marie.
Những bê bối mới
Cách đây không lâu (tháng 1-2011), Bộ trưởng Y Tế Xavier Bertrand bị giới truyền thông cáo buộc tội thông đồng trong vụ bê bối liên quan tới tập đoàn dược phẩm Servier. Hai cựu cố vấn cao cấp của Bộ trưởng Xavier Bertrand (làm trong năm 2005) đã nhận hoa hồng từ nhà sản xuất thuốc Mediator khiến 2.000 người chết.
Mặc dù Mediator, loại thuốc xuất hiện trên thị trường 35 năm (1976-2011) dành cho người béo phì mắc bệnh tiểu đường đã bị thu hồi tại Italia và Tây Ban Nha từ năm 2004, thậm chí bị chỉ trích ở Pháp, nhưng vẫn được xếp vào danh mục các loại thuốc được phép sử dụng. Mãi tới tháng 11-2009 Mediator mới bị cấm sử dụng ở Pháp sau một nghiên cứu cho thấy “đó là nguyên nhân của 2.000 cái chết ở nước này”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Xavier Bertrand vẫn khẳng định, không hề biết việc 2 cố vấn kể trên có quan hệ với tập đoàn dược phẩm Servier. Ngày 12-1, ông Jean Marimbert, người đứng đầu Cơ quan vì sự an toàn của các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Pháp đã tuyên bố từ chức.
Với tuyên bố hôm 31-1 vừa qua, cựu Tổng thống Jacques Chirac hoàn toàn đủ sức khỏe để hầu tòa vào ngày 7-3 bởi ông không bị Alzheimer như giới truyền thông mới đưa tin. Ngay sau khi nghỉ hưu (giữa năm 2007), ông Jacques Chirac đã phải đối mặt với khá nhiều cáo buộc tham nhũng. Người ta muốn xét lại tất cả những cáo buộc kể từ khi ông làm Thị trưởng Paris - sử dụng sai công quỹ để trả lương cho các đồng minh chính trị trong những năm 1990. Một tòa án ở Paris từng chấp nhận khoản thanh toán hơn 2,2 triệu Euro để hủy một vụ án dân sự chống lại ông, nhưng cựu Tổng thống Jacques Chirac vẫn phải theo hầu các vụ kiện khác.
Lê Cao Sơn
(Tổng hợp)