Đằng sau nạn buôn bán ma túy mới bùng phát ở Colombia

ANTĐ - Trong vài năm qua, Colombia đã vượt qua Peru trở thành nước xuất khẩu cocaine hàng đầu thế giới. Quốc gia này hiện có sản lượng lá coca cao hơn 2 nước láng giềng cộng lại, chưa kể diện tích trồng loại cây này dự kiến tiếp tục tăng trong năm nay. Vì nhiều lý do, cuộc chiến chống sản xuất, buôn bán ma túy của chính phủ Colombia đang gặp nhiều khó khăn.

Đằng sau nạn buôn bán ma túy mới bùng phát ở Colombia ảnh 1

Colombia vẫn là một trong những “đầu nậu” cocaine của thế giới

Dân quyết giữ đất trồng cây coca

Trung tuần tháng 12-2015, ở thung lũng miền Trung Cordillera xa xôi, các thành viên bộ lạc Nasa họp bàn với nhau về cách đối phó các cuộc tuần tra của quân đội Chính phủ Colombia. Ông Carlos, một vị tộc trưởng Nasa, tuyên bố: “Chúng ta đã phát triển thung lũng này suốt 6 năm qua, nhưng binh lính có thể phá tan mọi thứ chỉ trong một vài giờ. Vì thế, chúng ta phải ngăn cản họ”.

Chính phủ Colombia đã mở nhiều chiến dịch nhằm triệt phá cây coca ở bang Cauca, miền Tây Nam nước này. Điều đó dẫn đến một số vụ đụng độ giữa binh lính và người dân bản địa khi cư dân dựng chướng ngại vật trên đường nhằm ngăn cản xe quân sự tiến vào. Gần đây nhất, hôm 19-11, ở khu vực Argelia, 1 người trồng coca đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương khi binh sỹ chính phủ xông vào nông trại của họ. Trước đó, vào giữa tháng 10, 2 vị chức sắc của bộ tộc Nasa đã bị quân đội bắn chết trên mảnh đất của mình ở Cauca. “Đó là nguồn sống duy nhất của chúng tôi” - tộc trưởng Carlos nói. 

Trải qua một thời gian dài xung đột, cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn cao nguyên Colombia chưa được quan tâm phát triển, đời sống của cư dân gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, bất ổn kéo dài khiến các cộng đồng cư dân nhỏ ở Colombia phải thay đổi chỗ ở thường xuyên. Hiện ít nhất 6 triệu người Colombia từng phải chuyển đổi nơi ở, vì thế họ kiếm sống chủ yếu trong những trang trại nhỏ quy mô hộ gia đình. Trong hoàn cảnh đó, bán lá coca là cách tốt nhất để tồn tại. “Không có sự lựa chọn nào khác, bởi chúng tôi đã từng trồng chuối và nhiều loại cây khác nhưng không thể kinh tế bằng cây coca. Hơn nữa, chúng tôi cũng quen với tính kích thích nhẹ của nó” - một người dân cho biết. 

Sự lũng đoạn của các tập đoàn ma túy

Vùng đất này còn “nóng” lên bởi hoạt động của các lực lượng du kích và bán quân sự, nhất là Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC). FARC cũng là tổ chức buôn bán ma túy mạnh nhất Colombia. Đội quân này kiểm soát khoảng 70% thị trường cocaine của cả nước, thu về mỗi năm khoảng 500 triệu USD.

Cuộc chống đối của đội quân FARC với Chính phủ Colombia đã kéo dài dai dẳng hơn 50 năm, khiến ít nhất 220.000 người thiệt mạng. Thời hạn chót cho cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia và nhóm du kích thuộc FARC đã được đặt ra là tháng 3-2016. Chuẩn bị cho việc thiết lập lại hòa bình, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos ký kết một thỏa thuận mang tính nhượng bộ đối với FARC. “Do lệnh ngừng bắn nên hiện giờ chúng tôi không thể mở chiến dịch nhằm vào các khu điều chế, sản xuất ma túy của quân nổi dậy. Tất cả những điều này làm hiệu quả hoạt động của quân đội trở nên hạn chế” - Carlos Armando, nhà phân tích tình báo quân đội Colombia nhận định. 

Theo ông Armando, chính lệnh ngừng bắn tạo cơ hội cho FARC tăng cường mạng lưới buôn bán ma túy. Một tập đoàn buôn lậu ma túy khét tiếng ở Mexico đang cấu kết chặt với FARC dọc theo bờ biển Colombia. Đó là tổ hợp buôn lậu ma túy toàn cầu hoạt động dưới sự điều hành của ông trùm Chapo Guzman với vụ vượt ngục gây chấn động Mexico vừa qua. Chúng thường cung cấp cho FARC các lô hàng vũ khí, đồng phục và những nhu cầu thiết yếu khác để đổi lấy ma túy.

Một nội dung quan trọng trong thỏa thuận với Chính phủ Colombia là FARC công khai tuyên bố sẽ từ bỏ việc buôn bán ma túy trong thời gian đình chiến. Về phần mình, đoàn đàm phán của Tổng thống Santos đã đưa ra các chương trình phát triển nông thôn nhằm thay cây coca bằng các loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên gần đây, sự tăng vọt trong sản xuất, vận chuyển và thu lời từ cocaine cho thấy các thủ lĩnh của FARC không muốn hoặc khó thực hiện được lời hứa của mình.