Đằng sau lời đe dọa của Trung Quốc

ANTĐ - Trong khi chính mình đang ráo riết tăng cường chạy đua vũ trang, mua sắm ồ ạt các loại vũ khí hiện đại, nhất là cho lực lượng hải quân, Trung Quốc lại bất ngờ to tiếng cảnh báo Australia về việc mua 12 tàu ngầm của Pháp.

Đằng sau lời đe dọa của Trung Quốc ảnh 1Tàu ngầm hiện đại lớp Barracuda của Pháp sẽ thay thế cho tàu ngầm lớp Collins đã lạc hậu hiện nay trong lực lượng hải quân Australia

Trong một bài viết ngày 27-4 trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, phụ bản của  Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc đe dọa sẽ “tăng cường khả năng phản công” nếu quyền lợi của nước này bị xâm hại bởi hạm đội tàu ngầm tàng hình mới của Australia do Pháp chế tạo. Sự đe dọa này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi tập đoàn chế tạo vũ khí DCNS của Pháp giành được hợp đồng cung cấp cho hải quân Australia 12 tàu ngầm tối tân lớp Barracuda trị giá gần 40 tỷ USD.

Tờ báo thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc cho rằng: “Canberra phải biết rõ chương trình trang bị tàu ngầm của Australia nằm trong ván cờ địa chính trị tại châu Á-Thái Bình Dương và sẽ được sử dụng cho cuộc phân tranh chiến lược trong khu vực”. Từ đó, Bắc Kinh cảnh báo, nếu tàu ngầm mới của Australia tham gia gây sức ép quân sự thì Trung Quốc sẽ tiến hành trả đũa, “triển khai sức mạnh phản công và cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho quyền lợi của Australia”.

Không khỏi ngạc nhiên khi Trung Quốc, cường quốc đang ráo riết chạy đua vũ trang với chi phí quân sự đứng thứ hai thế giới (191 tỷ USD năm 2015), trong đó dành tỷ lệ đáng kể để gia tăng sức mạnh hải quân, lại tỏ ra “bực tức” trước việc Australia đầu tư hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm. Theo giới chuyên gia quân sự, sau nhiều năm liên tục gia tăng chi phí quân sự, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, không ngần ngại thách thức với những cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ và Nhật Bản khi hung hăng gây hấn tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Lo ngại trước mối đe dọa về an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông đã khiến Australia không thể ngồi yên bởi quốc gia này đã xem lợi ích của mình gắn liền với khu vực Đông Nam Á. Trong định hướng hiện đại hóa quốc phòng nhằm bảo vệ lợi ích sát sườn ở khu vực, Australia đã ưu tiên hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm do các tàu ngầm lớp Collins làm xương sống.

Tàu ngầm tối tân lớp Barracuda được cho là sẽ giúp Australia đủ khả năng đáp trả những thách thức quốc phòng và an ninh đến từ Trung Quốc. Ngoài khả năng tàng hình nhờ các vật liệu chế tạo mới cùng việc sử dụng động cơ điện - dielsel và hệ thống đẩy phản lực nước giúp tàu chạy êm, tàu ngầm  lớp Barracuda (dài 97m, lượng giãn nước hơn 4.000 tấn khi lặn và 4.500 tấn khi nổi) do Tập đoàn công nghiệp hàng hải quốc phòng DCNS của Pháp đóng này còn được trang bị các vũ khí hiện đại như tên lửa diệt hạm Ecocet SM39, tên lửa phòng không ASM-3, tên lửa hành trình SCALP…

Một hạm đội tàu ngầm mới với các tàu ngầm lớp Barracuda tối tân giúp Australia đủ năng lực bảo vệ những lợi ích sống còn của mình trên biển, trong đó có khu vực Biển Đông chiến lược, song lại trở thành chướng ngại mới với Trung Quốc khi nước này đang bất chấp sự phản đối của các quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế, ngày càng có những hành động hung hăng nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. Đó là lý do Trung Quốc phải “già mồm” với Australia dù Trung Quốc đang chạy đua vũ trang ráo riết nhất.