Dân Thổ Nhĩ Kỳ giúp Nga "lột mặt nạ" của chính quyền Ankara?

ANTĐ - Một cuộc khảo sát đã cho thấy, đa số người sử dụng Twitter Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có dính líu hoạt động buôn lậu dầu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS (hay còn gọi là Daesh).

Đa số dân Thổ Nhĩ Kỳ tin chính quyền Ankara mua dầu lậu của IS.

Hiện nay, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang vô cùng căng thẳng sau vụ Ankara ra lệnh bắn rơi máy bay Su-24 của Nga, khiến Moscow nổi giận đưa các hệ thống phòng không S-400 đến Syria, đồng thời cáo buộc Ankara buôn bán dầu lậu với IS và hậu thuẫn các nhóm khủng bố ở Syria.

Trong bối cảnh này, chuyên gia bình luận quốc tế Abdurrahman Dilipak của báo Akyt Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là người nổi tiếng gần gũi với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đã lập một mục khảo sát với nội dung "Ai đã mua dầu thô của IS?", trên trang Twitter cá nhân vào ngày 02-12.

Chuyên mục khảo sát của ông Dilipak đề xuất với cư dân Twitter 3 phương án lựa chọn, thứ nhất là "Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Erdogan", phương án 2 là "Nước Nga của ông Putin" và phương án cuối cùng được đưa ra thuộc về "Syria của Tổng thống al-Assad".

Chuyên mục này đã thể hiện sự hấp dẫn cực điểm khi chỉ trong vòng một giờ, đã có gần 18.000 người tham gia trả lời câu hỏi. Kết quả khảo sát đã thể hiện rõ ràng sự nghi ngờ của dân chúng nước này về tính minh bạch của chính quyền Ankara, cụ thể là Tổng thống Erdogan.

Nga tố Thổ Nhĩ Kỳ câu kết với IS buôn bán dầu lậu, hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân ở Syria

Hai đáp án cuối được bình chọn với tỷ lệ 12% và 10%, còn lại 78% người dùng Twitter khẳng định, chính Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Erdogan là nước đã mua dầu lậu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, gián tiếp cung cấp tài chính cho IS chiêu mộ binh lính và mua sắm vũ khí.

Là một người thân cận với chính quyền Ankara và đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ là Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan, kết quả này hẳn khiến ông Dilipak không hài lòng, nên nhà báo này đã quyết định xóa bỏ mục khảo sát.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kịp chụp ảnh màn hình trang Twitter của Dilipak và tái công bố kết quả thăm dò dư luận này trên trang của cơ quan ngoại giao với bình luận: "Cuộc khảo sát hết sức thú vị! Kết quả thu được chỉ trong 1 giờ…".

Cuộc thăm dò ý kiến đã trở thành cơ sở để cư dân mạng Thổ Nhĩ Kỳ dèm pha và bình luận. Nhiều người cho rằng, đây là kết quả phản ánh sự thật mà bây lâu nay đảng cầm quyền và bản thân ông Erdogan vẫn đang che dấu, còn dân chúng nước này không dám thể hiện quan điểm công khai.

Sau khi thấy kết quả bất lợi, đầu tiên, chính quyền Ankara và bản thân ông Dilipak cáo buộc Nga đã “phá hoại cuộc thăm dò”, nên nhà báo này đã phải đóng Twitter.

Tuy nhiên, ông này đã mở lại tài khoản mạng xã hội sau đó 1 ngày và  thanh minh rằng, chính đảng cầm quyền đã "không cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân về những thắc mắc trong vấn đề mua dầu của IS", khiến dân chúng nước này “hiểu lầm” chính phủ.

Ảnh chụp màn hình Twitter cá nhân của nhà báo Abdurrahman Dilipak

Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ đích danh gia đình Tổng thống Erdogan

Được biết, trong thời gian qua Nga đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bí mật câu kết với tổ chức khủng bố IS để mua dầu lậu giá rẻ bằng 1/3 giá thị trường. Moscow cũng cho rằng, đó là một trong những nguyên nhân khiến Ankara tức giận và ra lệnh bắn vào Su-24 của Nga.

Hành động bắt tay IS buôn bán dầu của Ankara vừa bị coi là “chiếm đoạt gián tiếp tài nguyên của Damascus và Baghdad”, vừa gián tiếp cung cấp tài chính cho tổ chức khủng bố này, biến IS thành tổ chức khủng bố siêu giàu, giúp chúng tăng cường lực lượng và vũ khí trang bị.

Ngoài ra, chính quyền của ông Erdogan còn tuồn vũ khí và cung cấp hậu cần cho nhóm phiến quân Syria Turmen (người Syria gốc Thổ, được Ankara hậu thuẫn nhằm lật đổ chính quyền của ông Assad và giúp Ankara chống lại tỏ chức vũ trang của người Kurd).

Khi Nga không kích đánh tan những nhà máy chế xuất và phá hủy hàng đoàn xe vận chuyển dầu lậu của IS, đồng thời tấn công hủy diệt vào khu vực nhóm phiến quân được Ankara ủng hộ thì Thổ Nhĩ Kỳ đã rất căm tức. Do đó, nước này đã bắn rơi chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga.

Nga cáo buộc đích danh cha con Tổng thống Erdogan bắt tay với IS

Trong cuộc họp báo hôm 2-12, Bộ Quốc phòng Nga đã trình bày số liệu tình báo và ảnh chụp, video khẳng định sự “tham gia tích cực” của gia đình và các nhân vật thân cận với Tổng thống Erdogan trong hoạt động kinh doanh dầu với IS ở Syria và Iraq.

Nga còn chỉ đích danh con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là Bilal Erdogan là trùm dầu mỏ ở nước này, trực tiếp chỉ huy công việc mua bán dầu với IS, đồng thời chỉ đạo hoạt động hỗ trợ nhóm phiến quân Turkmen ở Syria.

Vừa qua, tòa án tối cao nước này đã ra lệnh truy tìm tung tích của Bilal để phục vụ công tác điều tra án tham nhũng của Đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ là Đảng Công lý và Phát triển (AKP), do anh ta vắng mặt trong phiên điều trần đầu tiên hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, hiện không ai rõ con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở đâu.

Nếu tòa án nước này tìm được và chứng minh Bilal có tội thì sự nghiệp chính trị của vị Tổng thống này coi như chấm dứt, ông Erdogan sẽ không còn cơ hội để tự nguyện từ chức như khi thách thức Nga trưng ra được bằng chứng, xác nhận gia đình ông có liên quan đến hoạt động của IS.

Tuy nhiên, Moscow sẽ không bỏ qua việc này. Ngày 3-12, ông Viktor Ozerov, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang tuyên bố rằng, Nga cũng nắm nhiều tài liệu khác có thể chứng minh sự liên quan của gia tộc Erdogan và có thể sẽ công bố vào tuần sau.