Dân ồ ạt rút tiền, ai cứu Hy Lạp trước giờ G?

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp đang thu hút sự quan tâm của thế giới khi người dân nước này xếp hàng dài trước những máy rút tiền tự động để lấy tiền mặt do lo ngại Hy Lạp có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ. Hôm nay, 30-6 là hạn chót để Athens trả khoản nợ 1,8 tỷ USD cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). 
Dân ồ ạt rút tiền, ai cứu Hy Lạp trước giờ G? ảnh 1

Người dân Hy Lạp đổ xô đi rút tiền hôm 28-6

Đóng cửa ngân hàng

Phát biểu trên truyền hình hôm 28-6, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, các ngân hàng và thị trường chứng khoán ở nước này sẽ tạm ngừng hoạt động. Việc rút tiền mặt tại các ngân hàng sẽ bị hạn chế, đồng thời, các biện pháp kiểm soát vốn cũng được áp đặt. Tuy nhiên, ông Tsipras trấn an người dân Hy Lạp rằng các khoản thu nhập, lương hưu và tiền gửi tại các ngân hàng đều được đảm bảo.

Dự kiến, các ngân hàng Hy Lạp sẽ đóng cửa cho tới ngày 7-7, hai ngày sau thời điểm nước này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do các chủ nợ quốc tế đưa ra để đổi lấy khoản cứu trợ mới. Trong khoảng thời gian ngân hàng đóng cửa, báo chí châu Âu đưa tin, khách hàng sẽ được phép rút một khoản tiền tối đa là 65USD một ngày và không được phép chuyển tiền ra nước ngoài trừ phi được chấp thuận. 

Thông báo trên được đưa ra sau khi Khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu      (Eurozone) không gia hạn chương trình cứu trợ tài chính cho Hy Lạp. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ra quyết định sẽ tiếp tục duy trì hạn mức tín dụng khẩn cấp cho các ngân hàng của Hy Lạp, đồng thời cam kết sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính.

 Trước những thông tin đầy tiêu cực về tình hình tài chính của Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương Macedonia ngày 28-6 đã yêu cầu các ngân hàng của nước này rút hết tiền gửi tại các ngân hàng ở Hy Lạp và áp đặt “các biện pháp phòng ngừa” để hạn chế dòng vốn chảy sang quốc gia láng giềng ở phía nam, vốn đang lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính trầm trọng. 

Chứng khoán toàn cầu giảm mạnh

Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ và tiến gần hơn tới khả năng ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu     (Eurozone). Trong hoàn cảnh đó, chính phủ các nước Đức và Anh khuyên người dân nước họ nên mang theo nhiều tiền euro nếu đi du lịch tới Hy Lạp, đề phòng khả năng khó rút tiền. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm để bàn về cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo Đức và Mỹ đã nhất trí về ý nghĩa “cực kỳ quan trọng” của việc giữ Hy Lạp ở lại Eurozone. “Chúng ta phải làm mọi thứ để Hy Lạp được ở lại Eurozone. Làm mọi thứ ở đây nghĩa là tôn trọng Hy Lạp và sự dân chủ, nhưng cũng là tôn trọng luật lệ của châu Âu. Bởi vậy, Hy Lạp cần phải trở lại bàn đàm phán”, Thủ tướng Pháp Manuel Valls phát biểu trên đài French TV.

Sau khi Hy Lạp tuyên bố đóng cửa ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã sụt giảm mạnh hôm 29-6. Chỉ số DAX index của Đức giảm 2,9%, xuống còn 11.161,41 điểm, chỉ số CAC-40 của Pháp giảm 3,4% xuống còn 4.887,69 điểm, trong khi chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,6% còn 6.643,83 điểm. 

Tại châu Á, chỉ số Shanghai Composite Index của Trung Quốc lao dốc mạnh với sự sụt giảm 3,3% xuống còn 4.053,03 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông, Nikkei của Nhật, Kospi của Hàn Quốc, Sensex của Ấn Độ cũng đều giảm điểm. 

Giá euro giảm từ 1 euro đổi được 1,1168USD xuống còn 1 euro đổi được 1,1066USD. Tại thị trường năng lượng, giá dầu thô giảm 1,11USD, còn 58,52USD một thùng trong phiên giao dịch trên sàn chứng khoán New York (Mỹ), giá dầu thô Brent cũng giảm 1,24 cent xuống còn 62,02USD ở Lodon (Anh).