Đàm phán thương mại bế tắc, Trung Quốc tìm cách gây áp lực với Hoa Kỳ

ANTD.VN - Bắc Kinh đã khuyến cáo công dân của mình trong những ngày gần đây không nên đến tham quan hay học tập tại Hoa Kỳ, đánh dấu những căng thẳng ngoại giao giữa hai nước sau sự sụp đổ của các cuộc đàm phán thương mại vào tháng trước.

Các cuộc đàm phán thương mại đã bị đình chỉ vô thời hạn kể từ khi Tổng thống Donald Trump chỉ định leo thang thuế quan đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đã không giữ các cam kết trước đây như một phần của thỏa thuận thương mại. Trung Quốc đã đáp trả bằng các hình phạt riêng đối với hàng hóa của Mỹ, có hiệu lực vào tuần trước.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Steven Mnuchin tham gia Hội nghị kinh tế thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tuần này được xem như một cuộc thử nghiệm về việc liệu hai nước có thể nối lại đàm phán hay không. Nếu có thể ông sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He bên lề hội nghị thượng đỉnh.

"Chúng tôi dự đoán chúng tôi sẽ gặp phái đoàn Trung Quốc, nhưng chúng tôi không có gì để xác nhận tại thời điểm này", một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính nói với các phóng viên trong tuần này.

Trong số các cuộc họp song phương, đại diện tài chính của chính quyền Donald Trump sẽ gặp các bộ trưởng tài chính của Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý cùng với Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang.

Ông Trump đe dọa sẽ tiếp tục gây áp lực nhiều hơn đối với Trung Quốc dưới hình thức thuế quan với mức 300 tỷ đô la Mỹ hàng hóa từ Bắc Kinh nếu các cuộc đàm phán không mang lại tiến triển.

"Tôi có thể tăng thêm ít nhất 300 tỷ đô la và tôi sẽ làm điều đó vào đúng thời điểm", Tổng thống Hoa Kỳ nói với các phóng viên tại sân bay Shannon ở Ireland trên đường đến Pháp. "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn thực hiện một thỏa thuận tồi tệ".

Về phần mình, Bắc Kinh cũng đã báo hiệu rằng "sẽ không chịu áp lực" của Hoa Kỳ, đặc biệt là về các vấn đề gắn liền với chủ quyền của đất nước, theo một báo cáo của chính phủ về các vấn đề thương mại được công bố hôm 9/6. Trung Quốc đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ về sự bế tắc thương mại và cho rằng họ đang hành động như “một kẻ bắt nạt”.

Tài liệu của chính phủ Trung Quốc cũng cáo buộc chiến lược "Nước Mỹ trước tiên" (American First) của Nhà Trắng là phá hoại nền kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa trở lại bàn đàm phán. "Trung Quốc sẵn sàng đàm phán, nhưng cũng sẽ chiến đấu đến cùng nếu cần", báo cáo nêu rõ.

Thương mại sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu được thảo luận tại cuộc họp cuối tuần này trong khuôn khổ G20, với những thành viên tham gia có khả năng cảnh báo những tác động tiêu cực từ hoạt động thương mại do chính quyền Trump gây ra, có thể gây nguy hiểm cho tăng trưởng toàn cầu.

Ngày 10/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cảnh báo các sinh viên và học giả rằng Hoa Kỳ đang trì hoãn thị thực hoặc từ chối hoàn toàn các hoạt động nghiên cứu. Ngày 11/6, Bắc Kinh đưa ra cảnh báo rằng họ đã nhận được nhiều khiếu nại việc các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ đang thẩm vấn các công dân Trung Quốc nhập cảnh và xuất cảnh khỏi nước này.

Văn phòng du lịch Trung Quốc cũng cảnh báo công dân rằng họ có thể gặp nguy hiểm, chỉ ra "các vụ xả súng, cướp và trộm cắp" thường xuyên.