Đám mây đen mang tên Brexit

ANTĐ - Nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) như đám mây đen làm u ám Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7), vừa kết thúc tại Nhật Bản hôm 21-5.

Thủ tướng Anh cảnh báo người dân về những thiệt hại nếu Anh rời EU

Thông cáo của hội nghị nhấn mạnh, việc Anh rời châu Âu sẽ là một “cú sốc” đối với kinh tế toàn cầu. Thông cáo cũng nêu rõ trong bối cảnh “bất ổn toàn cầu gia tăng, với các xung đột địa chính trị, nạn khủng bố và các làn sóng di dân quy mô lớn”, cú sốc của viễn cảnh Anh rời khỏi EU làm tình hình kinh tế thế giới thêm phức tạp.

Theo kế hoạch, ngày 23-6 tới, cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi hay ở lại EU. Kết quả thăm dò dư luận của Viện IPSOS-MORI cho thấy, phe ủng hộ Anh ở lại chiếm 55% so với 37% phản đối. Tỷ lệ ủng hộ như vậy đã tăng vọt trong thời gian gần đây, cho thấy chiến dịch vận động của Thủ tướng Anh D. Cameron dường như đã mang lại kết quả. 

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực quá lớn từ nguy cơ Anh rời EU khiến dư luận vẫn cảm thấy bất an. Thậm chí đã xuất hiện cả từ đặc biệt “Brexit”, ghép từ hai từ “Britain” (nước Anh) và “exit” (rời khỏi), để nói đến việc Anh có thể rời bỏ EU. Theo bà C. Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tác động của Brexit sẽ chỉ nằm trong khoảng từ khá xấu đến rất, rất xấu.

Đây không phải là dự báo. Theo báo cáo mới nhất về “Triển vọng kinh tế thế giới” mà IMF công bố, một cú sốc Brexit sẽ làm đảo lộn kinh tế thế giới. Nguyên nhân là bởi những rào cản được tạo ra từ Brexit sẽ tác động đến các hoạt động thương mại, đầu tư và năng suất lao động. Điều này có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực trong thời gian dài đối với sản lượng kinh tế.

Còn tác động gián tiếp thì sao? Theo IMF và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Anh hiện đang là một trong những điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu. Nếu việc Anh rút khỏi EU diễn ra không thuận, kinh tế toàn cầu vốn đang yếu kém sẽ bị giáng thêm một đòn nữa.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đều nghiêng về kết luận rằng sự ra đi của Anh sẽ làm tổn thương sự tăng trưởng kinh tế Anh. Thậm chí nếu Anh phát triển mạnh sau khi rời khỏi EU thì tác động xấu vẫn diễn ra bởi các nước thành viên EU khác sẽ đặt câu hỏi về tư cách thành viên của họ, gây nguy cơ làm đổ vỡ mô hình liên kết hiện nay của châu Âu.

Trước mắt, các nhà kinh tế cảnh báo rằng nếu Anh rời khỏi EU, nó sẽ “làm gián đoạn và suy giảm các dòng chảy tài chính và thương mại song phương”, thu hẹp lợi ích có được từ việc hội nhập và hợp tác kinh tế như những gì các nền kinh tế đang có được hiện nay. Tiếp đó, cuộc thương lượng nhằm đạt được các thỏa thuận hậu Brexit sẽ kéo dài, không chỉ tác động nặng nề tới lòng tin người tiêu dùng và giới đầu tư mà còn làm tăng tính dễ tổn thương của thị trường tài chính.

Tuy nhiên, ngoài những lời cảnh báo, hiện thế giới đang khá lúng túng với các biện pháp đối phó với “đám mây đen Brexit”. Ngay Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G-7 vừa kết thúc tại Nhật Bản cũng không có động thái thực tế nào. Bộ trưởng Tài chính Pháp M.

Sapin thừa nhận dù nhất loạt khẳng định sự ủng hộ với việc Anh ở lại EU, nhưng G-7 đã không hề thảo luận về phương án B để đối phó với các hậu quả của viễn cảnh nước Anh rời EU. Đám mây đen Brexit vẫn đầy tính đe dọa, không chỉ với nước Anh mà còn cả với tương lai ổn định của nền kinh tế thế giới.