Đậm dấu ấn Việt Nam trong Hội nghị Cấp cao lịch sử của ASEAN

ANTD.VN - Làm nên thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 là nỗ lực và đóng góp chung của tất cả các thành viên của hiệp hội, trong đó có vai trò nổi bật của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, năm mà ASEAN gặp phải những thách thức chưa từng thấy trong suốt lịch sử gần 50 năm phát triển.

Đậm dấu ấn Việt Nam trong Hội nghị Cấp cao lịch sử của ASEAN ảnh 1Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn trong hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 - một Hội nghị Cấp cao lịch sử của hiệp hội

Khẳng định sức sống vững bền của một ASEAN tự cường, năng động

Thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 một lần nữa minh chứng cho sự đoàn kết, nhất trí của tất cả các thành viên của hiệp hội, khẳng định ASEAN là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới. Diễn ra trong bối cảnh đặc biệt - đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) hoành hành và hình thức đặc biệt - họp một Hội nghị Cấp cao trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử gần 50 năm kể từ khi thành lập, song Hội nghị Cấp cao lần thứ 36 đã thành công tốt đẹp với sự thống nhất, đồng thuận rất cao về những vấn đề quan trọng trong nội khối ASEAN hiện nay.

Cho dù các thành viên ASEAN đều đã kiểm soát tốt tình hình đại dịch Covid-19 với tỷ lệ tử vong thấp, số người lây nhiễm giảm và đang dần thiết lập trạng thái “bình thường mới”… song hợp tác giữa các quốc gia trong hiệp hội vẫn rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa khôi phục các hoạt động kinh tế. Trên tinh thần thân thiện và hợp tác, các nước thành viên ASEAN đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng, trong đó nổi bật là tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19 và chủ động đẩy mạnh phục hồi kinh tế - xã hội, hợp tác nội khối.

Thành công nổi bật của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 được ghi nhận là các quốc gia đã đạt được sự nhất trí cao về việc cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông, trong đó cần tuân thủ luật pháp quốc tế thông qua đối thoại, hợp tác, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các nước thành viên ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ quy định quốc tế, đặc biệt Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm khôi phục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. 

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 cũng đã đạt được thống nhất cao, đưa ra được Tuyên bố chung của Hội nghị về một khu vực ASEAN an toàn, đoàn kết, gắn kết và chủ động thích ứng; đặc biệt là phòng ngừa dịch bệnh tốt, không để làn sóng dịch Covid-19 thứ hai trở lại khu vực này. Các thành viên ASEAN cùng đoàn kết để phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi kinh tế sau đại dịch. ASEAN nhất trí cần đoàn kết hơn nữa, thống nhất cao hơn nữa để xây dựng một khu vực ASEAN hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, thịnh vượng. 

Những thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 góp phần khẳng định vai trò trung tâm, tích cực và chủ động của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế, nhất là những thách thức lớn đang đặt ra cho không chỉ hiệp hội mà cả khu vực cũng như thế giới. Với tinh thần của ASEAN là “gắn kết và chủ động thích ứng”, hiệp hội đã chứng tỏ dù đối mặt với khó khăn, thách thức thế nào thì vẫn luôn khẳng định sức sống vững bền của một cộng đồng tự cường, năng động.

Hội nghị lịch sử của ASEAN ghi đậm dấu ấn Việt Nam

Tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong, chủ động và đầy trách nhiệm của nước Chủ tịch luân phiên trong năm 2020. Đánh giá về vai trò của Việt Nam, lãnh đạo nhiều nước cũng như dư luận quốc tế đều cùng chung nhận định Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong 6 tháng vừa qua.

Các nước thành viên ASEAN đều tin tưởng vào năng lực ngoại giao của Việt Nam, ngay cả trong hoàn cảnh phải tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dư luận khu vực và quốc tế đồng tình cho rằng, Việt Nam thể hiện tốt vai trò dẫn dắt các nước thành viên nhằm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như đảm bảo tất cả các nước thành viên giữ vững sự đoàn kết, thống nhất nội bộ nhằm duy trì ổn định khu vực để vượt qua những thách thức chưa từng thấy. 

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho rằng chủ đề của Năm Chủ tịch Việt Nam về xây dựng một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” rất phù hợp với tình hình hiện nay, đồng thời khẳng định Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 là “minh chứng cụ thể” cho tình đoàn kết và vai trò lãnh đạo của ASEAN được thể hiện qua hợp tác khu vực mạnh mẽ. Tổng Thư ký Lim Jock Hoi khẳng định, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã làm được nhiều việc và “thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn đầu một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch”, đồng thời Việt Nam cũng đã khởi động các cuộc thảo luận về Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, điều rất quan trọng giúp ASEAN gắn kết và thích ứng tốt hơn trong tiến trình hội nhập khu vực.

Lãnh đạo các nước cũng đặc biệt đề cao thành công của hội nghị và vai trò của Việt Nam. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã đánh giá tích cực thành công của ASEAN trong thời gian qua, trong khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Lào Thongphane Savanphet khẳng định, Việt Nam đã làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Chia sẻ đánh giá tương tự, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nêu rõ, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã phản ánh năng lực của Việt Nam trong dẫn dắt ASEAN, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Giới chuyên gia và truyền thông quốc tế đặc biệt ấn tượng với sự chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong việc điều phối, dẫn dắt ASEAN cùng vượt qua những thách thức chung, đặc biệt là dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu hiện nay. Học giả nổi tiếng người Indonesia, Giáo sư Aleksius Jemadu đánh giá, Việt Nam đã đóng vai trò tốt trong việc dẫn dắt các nước thành viên nhằm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như đảm bảo tất cả các nước thành viên giữ vững sự đoàn kết, thống nhất nội bộ nhằm duy trì ổn định khu vực. Giáo sư Aleksius bày tỏ tin tưởng Việt Nam đang ở vị trí tốt nhất để phát huy vai trò lãnh đạo ASEAN vào thời điểm quyết định hiện nay. Tiến sĩ Balaz Szanto thuộc Bộ môn Quan hệ quốc tế,  Đại học Webster Thailand (Thái Lan) nêu rõ, Việt Nam là thành viên quan trọng, là quốc gia có vai trò chủ yếu trong ASEAN. Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng riêng biệt đến các vấn đề quan trọng của hiệp hội.

Kết quả nổi bật Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và trước đó hai tháng là Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN cùng Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đã ghi đậm dấu ấn Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đang ở vị trí tốt nhất để phát huy vai trò lãnh đạo ASEAN vào thời điểm quyết định hiện nay. Tất cả các nước ASEAN đều kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò hiệu quả trong việc thống nhất ASEAN và ưu tiên thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của mình.