Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi hợp tác quốc tế chống dịch Covid-19

ANTD.VN - Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết kêu gọi hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh. Tính đến ngày 3-4, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là 1.015.466 ca, trong đó số ca tử vong là 53.190 ca.

Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi hợp tác quốc tế chống dịch Covid-19 ảnh 1Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Milan, Italia

Không để xảy ra phân biệt đối xử trong ứng phó với dịch bệnh

Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.  Nghị quyết nhấn mạnh tới sự cần thiết tôn trọng nhân quyền và không để xảy ra bất kỳ hình thức phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bài ngoại trong các ứng phó với dịch bệnh.  

Bên cạnh đó, nghị quyết đề cao vai trò của Liên hợp quốc  đối với sức khỏe toàn cầu và khủng hoảng kinh tế. Nghị quyết được đề xuất bởi Thụy Sĩ, Indonesia, Singapore, Na Uy, Liechtenstein và Ghana, được ủng hộ bởi 188 trong số 193 thành viên. Nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua không mang tính ràng buộc như các nghị quyết được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua, song mang giá trị chính trị mạnh mẽ.

Đông Nam Á tăng mạnh số ca nhiễm

Malaysia hiện là quốc gia có số người nhiễm Covid-19 nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Ngày 3-4, nước này đã ghi nhận thêm 217 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 3.333 người. Bộ Y tế Malaysia đã xác nhận thêm 3 ca tử vong do Covid-19 trong cùng ngày, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh này lên thành 53 người.

Cũng trong ngày 3-4, Indonesia cũng xác nhận có thêm 196 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 1.986 người. Trong khi đó, tổng số ca tử vong do Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này hiện là 181 người, sau khi có thêm 11 ca tử vong mới. Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia (BIN) dự báo sẽ có hơn 23.000 người nhiễm virus Covid-19 tại nước này vào cuối tháng tư. Số người nhiễm Covid-19 tại Indonesia sẽ tiếp tục tăng cho tới tháng 7, có thể lên tới 95.451 người vào cuối tháng 5, 105.765 người vào cuối tháng 6, và 106.287 người vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống dịch Covid-19, ông Doni Monardo, nhấn mạnh rằng dự báo trên sẽ không xảy ra nếu Indonesia thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm túc.

Tại Thái Lan, ngày 3-4, nước này đã công bố thêm 103 ca nhiễm và 4 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.978 (riêng Thủ đô Bangkok là 1.049 ca) và tổng số người tử vong lên 19 bệnh nhân. Trước tình hình này, Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Naruemon Pinyosinwat cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đang nghiêm túc xem xét các biện pháp quyết liệt hơn, có thể áp đặt lệnh giới nghiêm hoàn toàn nếu số ca nhiễm Covid-19 và số người bị tử vong do dịch bệnh này không giảm đi trong vòng một tuần tới.

Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut đã ban bố lệnh giới nghiêm từ 22h đến 4h sáng, có hiệu lực từ ngày 3-4 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Để thực hiện lệnh giới nghiêm, hệ thống tàu điện công cộng ở Thủ đô Bangkok đã thông báo giờ đóng cửa vào lúc 21h30, trong khi các cơ sở phục vụ sinh hoạt khác cũng đã điều chỉnh giờ đóng cửa cho phù hợp. 

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines ngày 3-4 thông báo Philippines xác nhận có thêm 385 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 3.018 người. Bên cạnh đó, Philippines còn ghi nhận thêm 29 ca tử vong do dịch Covid-19. Đây là số ca cử vong nhiều nhất chỉ trong một ngày ở quốc gia Đông Nam Á này, nâng tổng số ca tử vong lên thành 136.

Số ca tử vong tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh

Bộ Y tế Anh ngày 2-4 cho biết số ca tử vong tại Anh do Covid-19 trong 24 giờ qua đã tăng 569 ca, lên 2.921 ca. Trong tổng số 163.194 người được xét nghiệm tại Anh trong thời gian qua, có 33.718 người được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2. Anh hiện đứng thứ 7 trong số các quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất trên thế giới, sau Italia, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Iran.

Cùng ngày, Pháp cho biết số ca tử vong do Covid-19 tại nước này đã lên 5.387 ca, sau khi ghi nhận thêm 471 ca tử vong tại bệnh viện trong ngày 2-4 cũng như số liệu ban đầu về 884 ca tử vong tại các viện dưỡng lão kể từ đầu dịch. Khoảng 26.000 người vẫn đang điều trị trong bệnh viện tại Pháp với 6.399 người đang được chăm sóc đặc biệt. Kể từ ngày 17-3 vừa qua, Pháp đã áp đặt lệnh phong tỏa trong nỗ lực nhằm làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh. Người dân chỉ được phép ra ngoài  khi thực sự cần và phải mang theo giấy tờ chứng minh. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe kêu gọi người dân tuân thủ lệnh phong tỏa để vượt qua dịch bệnh hiện nay.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia ngày 2-4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 4.668 ca dương tính, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 115.242 trường hợp. Trong số đó, số ca tử vong tăng thêm 760 ca lên 13.915 người. Số bệnh nhân điều trị thành công là 18.278 người. Trong tổng số các ca mắc bệnh hiện nay, có 28.540 ca nhập viện với các triệu chứng, 4.053 ca phải điều trị tích cực và 50.456 trường hợp phải cách ly tại nhà. Tại vùng tâm dịch Lombardia, tổng số ca mắc Covid-19 là 46.065 ca, trong khi số ca tử vong là 7.960 ca. 

50% dân số thế giới ở nhà do đại dịch 

Hơn 3,9 tỷ người, tương đương 50% dân số toàn thế giới, đang thực hiện yêu cầu “ở nhà” nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Các biện pháp - trong đó có bắt buộc hoặc khuyến cáo ở nhà, lệnh giới nghiêm hoặc cách ly đã được triển khai tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại châu Âu, nhiều người dân một số quốc gia như Anh, Pháp, Italia và Tây Ban Nha cũng phải tuân thủ các biện pháp hạn chế ra ngoài. Các quy định tương tự cũng được đặt ra đối với người dân Ấn Độ, Nepal, Srilanka trong số nhiều quốc gia châu Á khác. Nhiều bang tại Mỹ đang triển khai một số biện pháp phong tỏa. Và ngay cả người dân tại New Zealand - đất nước tương đối tách biệt - cũng không tránh khỏi việc phải ở nhà.

Dù dịch bệnh Covid-19 lan tới châu Phi muộn hơn so với các châu lục khác, nhưng những quốc gia tại Lục địa Đen như Morroco và Nam Phi cũng đã bắt đầu phải hành động quyết liệt. Tại hầu hết các nước, người dân vẫn có thể rời nhà để mua sắm các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thuốc men, hoặc đi làm, cho dù được khuyến khích làm việc tại nhà nếu có thể.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng luật thời chiến để thúc đẩy sản xuất máy thở, khẩu trang 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vận dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng để các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế và máy thở dành cho bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp Covid-19 nhận được nguồn cung ứng các vật tư cần thiết. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng trang thiết bị vật tư y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 do số người mắc bệnh tăng quá nhanh khiến nguồn cung y tế và giường bệnh không kịp đáp ứng chữa trị.

Đạo luật Quốc phòng có từ thời chiến này cho chính quyền liên bang Mỹ thẩm quyền để bắt buộc các công ty tư nhân ưu tiên thực hiện hợp đồng với chính quyền, nhằm đẩy nhanh việc sản xuất các sản phẩm đặc biệt cần thiết. Trong một bản ghi được Nhà Trắng công bố, Tổng thống Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ sử dụng thẩm quyền của mình để tạo điều kiện thuận lợi cung ứng các vật liệu sản xuất máy trợ thở dành cho 6 công ty gồm General Electric Co, Hill-Rom Holdings Inc, Medtronic Plc, Resmed Inc, Royal Philips N.V. và Vyaire Medical Inc.

Tính đến sáng 3-4, Mỹ ghi nhận trên 243.000 ca nhiễm Covid-19, với 5.926 ca tử vong và hơn 9.000 ca hồi phục.