Đại dịch Covid-19 lộ điểm yếu về tinh thần đoàn kết của Liên minh châu Âu

ANTD.VN - Sự thiếu đoàn kết và thái độ “không mặn mà” của Liên minh châu Âu đối với sự bùng phát mạnh mẽ dịch Covid-19 ở Italia, để cho nước này “một mình chống lại virus Corona”, buộc họ phải tìm đến sự trợ giúp của các nước khác như Nga và Trung Quốc, cựu Ngoại trưởng Italia Franco Frattini mới đây thẳng thắn bày tỏ.

Đại dịch Covid-19 lộ điểm yếu về tinh thần đoàn kết của Liên minh châu Âu ảnh 1Đội ngũ chuyên gia y tế Trung Quốc đến Italia trợ giúp dập dịch Covid-19

Tình huống trớ trêu 

Italia, tâm chấn mới của đại dịch Covid-19 nhiều tuần nay đã phải gồng hết sức để chiến đấu, ngăn chặn sự lây lan của virus mới. Hãng tin RT của Nga cho biết, giới chức Italia đã đàm phán, thậm chí cầu cứu các nước châu Âu để tìm cơ hội nhận được sự trợ giúp, bao gồm cả sự giúp đỡ về thiết bị mà Italia thiếu trầm trọng nhưng gần như không có nước láng giềng nào phản hồi. Chỉ có Nga và Trung Quốc sẵn sàng viện trợ khi được đề nghị. 

Tuần này, Nga đã điều hàng chục chuyến bay viện trợ khẩn cấp tới Italia bao gồm các thiết bị và vật tư y tế quan trọng cũng như đưa các chuyên gia giàu kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm và bác sĩ quân y tới nước này. Họ đang được triển khai tại các khu vực bị ảnh hưởng nhất ở phía Bắc Italia.

Trước đó, từ ngày 12-3, đội chuyên gia y tế Trung Quốc đầu tiên đã đến Rome, Italia với 31 tấn vật tư và thiết bị thiết yếu bao gồm mặt nạ phòng độc, trang phục bảo hộ, khẩu trang và thuốc. Nguồn viện trợ từ cả chính phủ Trung Quốc lẫn các nhà tài trợ tư nhân. Một chuyến khác cũng từ Bắc Kinh bay thẳng đến Milan vào ngày 18-3.

Tuy nhiên, 2 tuần trước, một số phương tiện truyền thông Italia cho biết, một lô hàng hơn 800.000 khẩu trang y tế từ Trung Quốc đến Italia đã bị dừng ở Đức do lệnh cấm của chính quyền Đức về xuất khẩu các mặt hàng y tế thiết yếu trong cuộc chiến chống Covid-19. Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu không áp dụng đối với hàng hóa quá cảnh, nhưng lô hàng đó đã bị chặn lại.

Tờ Il Giorno trích lời công ty Italia nhập về số khẩu trang nói hàng hóa của họ còn bị thất thoát ở Đức. Tương tự, nhật báo Corriere della Sera cho hay trong vài tuần trở lại đây, việc giao hơn 190 triệu khẩu trang cho Italia đã bị các nước láng giềng chặn lại. Mặc dù Đức đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu y tế đối với các nước EU khác nhưng quyết định này quá muộn và người Italia chắc chắn đang giữ thái độ rất tiêu cực.

“Điểm trừ” cho tinh thần đoàn kết EU

Liên minh châu Âu mới đầu đã đánh giá thấp đại dịch Covid-19, cho rằng sự bùng phát dịch bệnh ở Italia là do các lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở quốc gia này. Các nước EU cho rằng, Italia phải chịu hậu quả như vậy vì họ không có biện pháp kiểm soát tốt. Nhưng rồi, họ bỗng nhận ra các nước lớn của châu Âu có thể cùng chịu chung số phận như vậy.

Ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu (GPPI) tại Berlin cho rằng cuộc khủng hoảng đã làm hỏng hình ảnh và uy tín của EU cũng như nước Đức với tư cách là người bảo đảm sự đoàn kết của châu Âu. “EU đã không thành công trong việc trợ giúp Italia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 ở châu Âu. Nhiều người Italia có ấn tượng rất xấu rằng dù nhắc đến dịch bệnh là nói về một “số phận chung của châu Âu”, nhưng có vẻ như không ai chịu giúp đỡ nước láng giềng của mình”. 

Ông Franco Frattini, người 2 lần làm Bộ trưởng Ngoại giao Italia cho rằng EU đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Mặc dù Brussels thường xuyên rao giảng về sự đoàn kết toàn châu Âu, nhưng họ đã không hành động khi sự đoàn kết này là cần thiết nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. “Về khía cạnh y tế, điều duy nhất mà EU làm cho đến nay là đặt ra các rào cản giữa Italia và các nước khác”, cựu nghị sĩ Italia Dario Rivolta nhận định.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 15-3 cũng bày tỏ: “Cuộc khủng hoảng đã chứng minh rằng sự đoàn kết của châu Âu chỉ tồn tại trên giấy”, khi đề cập đến lệnh cấm xuất khẩu thiết bị và vật tư y tế do các thành viên EU áp đặt cho các nước ngoài EU để đối phó với dịch bệnh. “Rõ ràng tình đoàn kết châu Âu là một huyền thoại”, ông Vucic nhấn mạnh.

Được biết Serbia đã nhận được 5 triệu chiếc khẩu trang từ Trung Quốc mà họ không thể có được ở châu Âu. Nước này cũng đã phải mua sắm mặt nạ phòng độc trên thị trường không chính thức. Sau khi tuyên bố phong tỏa để kiểm dịch, Tổng thống Serbia cũng tuyên bố: “Tôi nói với người nước ngoài: Đừng có đến Serbia, ngoại trừ những công dân Trung Quốc sẵn sàng hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ chúng tôi”.