Cựu Thủ tướng Yingluck đối mặt cuộc chiến pháp lý

ANTD.VN - Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý mang tính sống còn trong sự nghiệp khi xuất hiện tại phiên tòa xét xử về trách nhiệm của bà trong chương trình trợ giá gạo.

Nữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫy chào người ủng hộ

An ninh tại Thủ đô Bangkok, đặc biệt khu vực quanh Tòa án Tối cao Thái Lan đã được thắt chặt tối đa, khi cựu nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra xuất hiện tại đây ngày 1-8 trong vụ kiện liên quan tới trách nhiệm của bà về chương trình trợ giá gạo. Riêng tại khu vực Tòa án Tối cao, cảnh sát đã triển khai khoảng 300 nhân viên để đảm bảo an ninh, trong khi hàng nghìn người ủng hộ bà Yingluck cũng đã kéo tới đây để “tiếp sức” cho cựu Thủ tướng.

Cùng với đó, an ninh tại khu vực Tòa nhà Chính phủ và Quốc hội Thái Lan cũng đã được thắt chặt với nhiều biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các phương tiện giao thông qua lại khu vực này. Cảnh sát Thái Lan còn tăng cường giám sát mạng xã hội và sẽ lập tức bắt giữ những đối tượng đăng tải các thông tin mang tính kích động bất ổn khi diễn ra phiên tòa xét xử vụ kiện cựu Thủ tướng Yingluck.

Không phải ngẫu nhiên mà giới chức Thái Lan lại phải đặc biệt quan tâm tới việc đảm bảo an ninh cho phiên tòa xử vụ kiện bà Yingluck liên quan tới chương trình trợ giá gạo. Bởi Chương trình trợ giá gạo là một nội dung chủ đạo, giúp bà Yingluck cùng đảng Pheu Thai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011, song lại bị chính quyền hiện nay cáo buộc đã gây thất thoát hàng tỷ USD cho ngân sách quốc gia.

Trong thời gian cầm quyền từ năm 2011 đến khi bị lật đổ bởi cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck theo cam kết tranh cử đã mua toàn bộ số gạo của nông dân nước này sản xuất ra với mức giá cao hơn giá thị trường từ 40-50% rồi trữ vào kho. Chương trình tạm trữ gạo lúc giá trên thị trường thế giới đi xuống này của bà Yingluck đã được nông dân, vốn chiếm đa số ở Thái Lan, ủng hộ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo cáo buộc của chính quyền lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014, chương trình trợ giá gạo của nữ cựu Thủ tướng đã gây thiệt hại nặng nề, mà trong đó bà Yingluck đã lơ là trách nhiệm, không kịp thời cho dừng chương trình khiến ngân sách quốc gia thiệt hại, ước tính lên tới hơn 500 tỷ baht (tương đương 14 tỷ USD). 

Chính quyền Thái Lan đã yêu cầu cựu Thủ tướng Yingluck phải bồi thường 286,64 tỷ baht (khoảng 8 tỷ USD) cho các thất thoát do chương trình trợ giá gạo mà Chính phủ của bà đã triển khai. Chính quyền cũng đã tiến hành phong tỏa toàn bộ tài sản của bà Yingluck để chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao Thái Lan.

Xuất hiện tại tòa ngày 1-8, bà Yingluck tuyên bố trước hàng nghìn người tụ tập bên ngoài để ủng hộ rằng mình vô tội. Đồng thời, cựu Thủ tướng cũng khẳng định, bà tin rằng những chính sách trợ giá gạo đã đem lại lợi ích cho người nông dân Thái Lan và không vi phạm pháp luật. 

Trong khi đó, Tòa án Tối cao Thái Lan dự kiến sẽ công bố phán quyết vào ngày 25-8 tới. Nếu bị phán quyết có tội, bà Yingluck sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù giam và tịch thu tài sản lên tới 35 tỷ baht để bồi thường cho những thiệt hại do chương trình trợ giá gạo gây ra.