Cứu “lá phổi hành tinh” Amazon

ANTĐ - Những biện pháp của Chính phủ Brazil đang giúp giảm đáng kể tốc độ tàn phá rừng Amazon, rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và được xem là “lá phổi” của Trái đất chúng ta.  

Cứu “lá phổi hành tinh” Amazon ảnh 1Lực lượng quân đội Brazil tham gia triệt phá một nhóm lâm tặc lớn phá rừng Amazon

Bộ trưởng Môi trường Brazil Izabella Teixeira ngày 26-11 công bố thống kê chính thức của nước này cho thấy tình trạng phá rừng tại khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ Amazon thuộc lãnh thổ Brazil đang có chiều hướng giảm. Theo đó, trong thời gian từ tháng 8-2013 đến tháng 7-2014, chỉ có khoảng 4.800 km2 rừng Amazon đã bị phá hủy, giảm 18% so với một năm trước đó. 

Mức phá hủy rừng Amazon như trên còn thấp hơn mục tiêu giảm diện tích rừng bị phá xuống 5.000 km2 mà Chính phủ Brazil đề ra và là mức thấp thứ hai được thống kê trong lịch sử. Mức phá rừng Amazon thấp nhất được ghi nhận vào năm 2011-2012 là 4.570 km2. 

Kể từ năm 1988 khi Brazil thống kê diện tích rừng bị tàn phá, năm 2004 là năm kỷ lục về diện tích rừng bị phá hủy với hơn 27.000 km2 rừng bị mất. Trong khi đó, thống kê của nhóm Imazon - một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển bền vững hệ sinh thái, cũng cho thấy khoảng 60% diện tích rừng bị tàn phá diễn ra tại khu vực do tư nhân kiểm soát hoặc do nông dân chiếm dụng bất hợp pháp. 

Rừng rậm nhiệt đới Amazon thuộc lưu vực sông Amazon có tổng diện tích gần 7 triệu km2. Rừng Amazon trải dài trên lãnh thổ của 8 nước Nam Mỹ gồm: Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname, trong đó 60% diện tích rừng nằm trên lãnh thổ của Brazil. 

Rừng rậm Amazon được coi là “lá phổi xanh” của Trái đất và là “ngôi nhà sinh thái” của hàng nghìn loài động, thực vật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, khai thác mỏ, chăn nuôi gia súc và xây dựng đập thủy điện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái của khu rừng lớn nhất thế giới này.

Để bảo vệ “lá phổi hành tinh” Amazon, Bộ trưởng Teixeira nêu rõ, thời gian qua Chính phủ Brazil đã đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng, thông qua việc siết chặt các quy định và tăng cường nhận thức của người dân. Những biện pháp cụ thể là lập hệ thống theo dõi và cảnh báo phá rừng qua vệ tinh, siết chặt các quy định và nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết giảm tình trạng tàn phá rừng, lập “Vành đai lửa” chống buôn lậu gỗ, tăng mức phạt đối với những người chăn thả gia súc và trồng cây nông nghiệp không đúng quy định, cấp tín dụng ưu đãi và tạo điều kiện chuyển nghề cho những gia đình sống dựa vào việc khai thác gỗ…

Mới đây nhất, ngày 21-10 vừa qua, Bộ Môi trường Brazil đã thiết lập một khu vực sinh thái giàu có thuộc rừng Amazon có tên gọi Alto Maues nằm dưới sự bảo vệ của liên bang, nhằm tạo ra một khu bảo tồn lớn hơn 6.680 km2. Khu bảo tồn này bao gồm những phần rừng còn nguyên vẹn và không có con người sinh sống. Việc thiết lập khu bảo tồn liên bang đồng nghĩa rằng hoạt động khai phá rừng dưới mọi hình thức đều không được cho phép tại khu vực này.

Trước đó, hồi cuối tháng  8-2014, cảnh sát Brazil đã triệt phá một băng nhóm phá rừng Amazon được xem là lớn nhất của nước này từ trước tới nay tại bang Para. Ước tính, hoạt động phạm pháp của nhóm lâm tặc này đã gây thiệt hại lên tới 230 triệu USD với môi trường rừng Amazon.