Cường quốc quân sự Nga hiện thực hóa động cơ lượng tử trong khoa học viễn tưởng

ANTĐ - Nga là một trong những cường quốc quân sự lớn nhất thế giới với nền khoa học công nghệ quân sự phát triển và luôn đi tiên phong. Mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Liên bang Nga (RAS) đã thử nghiệm thành công một loại động cơ mà chỉ vài năm trước đây nhiều người còn nghĩ nó chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng, được dùng để chế tạo ra những phương tiện vận chuyển có tốc độ nhanh gấp hàng nghìn lần so với máy bay hiện nay.

Cường quốc quân sự Nga hiện thực hóa động cơ lượng tử trong khoa học viễn tưởng ảnh 1Mô hình động cơ lượng tử của các nhà khoa học Nga

Sau khi thử nghiệm thành công động cơ lượng tử, Tiến sĩ Vladimir Semenovich Leonov, người đoạt Giải thưởng Quốc gia của Chính phủ Nga về nghiên cứu Thuyết Siêu liên kết, đã có cuộc trả lời phỏng vấn  báo Nga “KM.ru” và chia sẻ những thành công cũng như những khó khăn của ông cùng các cộng sự đã trải qua trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm loại động cơ được cho là thay đổi diện mạo của nền khoa học, công nghệ thế kỷ 21 này và có thể được so sánh ngang tầm với cuộc cách mạng công nghệ thông tin như hồi thế kỷ 20.

- Phóng viên KM: Thưa Tiến sĩ Vladimir Semenovich Leonov, hồi năm 2009, trên blog của ông đã cho đăng tải đoạn video về một động cơ có sử dụng cơ học lượng tử bên trong. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nếu không có bộ phận truyền dẫn động cơ, vòng bi… liệu nó có chuyển động được? 

- Tiến sĩ V.S.Leonov: Để loại bỏ những hoài nghi của mọi người về động cơ lượng tử này, chúng tôi đã cố gắng chế tạo ra một chiếc động cơ không có “yếu tố vòng bi”. Năm 2009, chúng tôi đã bước đầu thành công, tuy nhiên tháng 6-2014, chúng tôi lại cho thử nghiệm loại động cơ cùng loại nhưng được cải tiến nhiều hơn so với “người anh em” trước đây của nó vào 5 năm trước. Đó là một động cơ có trọng lượng 54kg nhưng nó có thể tạo ra lực đẩy theo phương thẳng đứng với xung lực có cường độ lên tới từ 500 - 700kg lực nhưng năng lượng chỉ tiêu thụ hết khoảng 1KW. Với động cơ này, một thiết bị bay có thể chuyển động với gia tốc lớn hơn từ 10-12 lần so với gia tốc trọng trường (gia tốc của chuyển động rơi tự do), điều đó có nghĩa nó nhanh hơn 10-12 lần tốc độ rơi tự do của các vật thể trên bề mặt Trái đất.

- Tiến sĩ có thể cho biết cụ thể hơn về sự khác biệt giữa động cơ lượng tử với động cơ của những tên lửa hiện đại nhất bây giờ? Ảnh hưởng của nó tới ngành công nghiệp không gian?

- Theo tôi, các động cơ tên lửa thông thường hiện nay đều đã đạt tới  khả năng giới hạn của kỹ thuật. Cụ thể, động cơ tên lửa thông thường nếu có trọng lượng khoảng 100 tấn thì chỉ mang theo được khoảng 5 tấn vào không gian, nhưng động cơ lượng tử có trọng lượng tương đương có thể mang theo được 90 tấn, hiệu suất tăng hẳn 900%. Đó là điều không tưởng! Kể từ Thế chiến thứ hai (sau hơn 50 năm phát triển), xung lực của động cơ tên lửa chỉ có thể tăng từ 220 giây (tên lửa Faw-2 của Đức) lên tới 450 giây (tên lửa Proton của Nga), còn xung lực của động cơ lượng tử có thể đạt tới hàng chục triệu giây. Riêng về mặt tốc độ của động cơ lượng tử, nó có thể đưa thiết bị bay chuyển động với tốc độ 1.000km/s trong thời gian khởi động, trong khi tốc độ của tên lửa thông thường khoảng 18km/s. Tôi cũng hy vọng điều này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành công nghiệp không gian. Thậm chí, trong tương lai, con người có thể du hành tới các vì sao.

- Những khó khăn gì mà các ông đã phải trải qua và đang chờ đợi trước mắt?

- Giao thông phổ biến hiện nay vẫn là động cơ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Do vậy, các nhà sản xuất và khai thác dầu khí tất nhiên sẽ gây khó dễ đối với chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần có nguồn kinh phí lớn, cần sự đầu tư của đa quốc gia. Tuy nhiên, kinh tế Nga đang bị suy giảm do lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, nhưng tôi hy vọng nó sẽ phục hồi trong 2-3 năm tới bởi Tổng thống Putin còn rất trẻ và đầy quyết tâm. Chúng ta cũng thầm cảm ơn họ vì đã đánh thức tiềm năng khoa học của con người Nga. Trong khi đó, cuộc chạy đua về công nghệ khoa học lượng tử hiện cũng đã và đang có nhiều quốc gia tiến hành, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ. 

- Xin cảm ơn ông. Chúc ông và đồng nghiệp luôn thành công.

Phải làm chủ công nghệ

Tiến sĩ V.S.Leonov cũng cho biết, người thử nghiệm thành công phản ứng nhiệt hạch lạnh là kỹ sư người Ý Andrea Rossi, tuy nhiên sau đó lại chính người Nga làm chủ được công nghệ này. Theo Tiến sĩ Leonov, nếu dùng 1kg nikel làm nguyên liệu trong phản ứng nhiệt hạch lạnh có thể tạo ra nguồn năng lượng sử dụng tương đương 1.000 tấn xăng. Nếu động cơ lượng tử của nhóm nhà khoa học RAS được phát triển hoàn hảo nó có thể thích hợp với mọi chuyển động trong môi trường nước, không khí, trong không gian và mặt đất. Họ dự tính chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để di chuyển từ Mátxcơva (Nga) tới New York (Mỹ) thay vì 10 giờ như hiện nay. 

Hy vọng rằng, động cơ lượng tử của các nhà khoa học Nga sẽ được đầu tư và phát triển nhanh chóng để xứng tầm với vị thế có thể làm thay đổi diện mạo nền khoa học, công nghệ thế kỷ 21 - mang con người tới những miền đất mới trong vũ trụ bao la.