Cuộc sống vô hình của người khuyết tật di cư từ các "điểm nóng" đến châu Âu

ANTD.VN - Nujeen Mustafa (20 tuổi), một người di cư Syria bị bại não và phải sử dụng xe lăn để đi lại, hiện đang sinh sống tại Đức cho biết, cô đã trải qua cuộc hành trình đầy gian khó khi rời bỏ quê hương đến miền đất hứa. Trong cuộc hành trình ấy, những người di cư khuyết tật như cô phải đối mặt với rất nhiều khó khăn

Ước tính có khoảng 10 triệu người khuyết tật đã buộc phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh

Người khuyết tật đang sống như “người vô hình”

 “Chạy trốn khỏi khu vực chiến tranh là điều không dễ dàng với tất cả mọi người và với người khuyết tật, khó khăn đó nhân lên nhiều lần. Hãy thử tưởng tượng khi bạn phải chạy trốn trên xe lăn, chống nạng di chuyển hay không nhìn, không nghe thấy gì trên đường đi”, Mustafa nói. Giờ đây, Mustafa đang là sinh viên và có nhiều nỗ lực kêu gọi cộng đồng thế giới có hành động bảo vệ người khuyết tật di cư.

Tháng 4-2018 vừa qua, Mustafa đã có một bài phát biểu quan trọng với các cơ quan chức năng của UN ở New York (Mỹ). Mustafa nói rằng, những người khuyết tật đang sống như “người vô hình” và là đối tượng yếu thế cần phải được quan tâm nhiều hơn. Cô kêu gọi mọi người hãy bảo vệ, tôn trọng và hành động vì người khuyết tật. 

Theo các chuyên gia, di cư trên biển là quãng thời gian nhiều rủi ro nhất đối với người tị nạn. Để có không gian cho nhiều hành khách, những kẻ buôn người thường buộc người di cư khuyết tật để lại xe lăn khi lên thuyền. Điều này đã xảy ra với Ali, một người tị nạn Afghanistan 22 tuổi. Trong 2 tháng đầu tiên ở trại tị nạn, vì không có xe lăn, Ali không thể vào nhà tắm hoặc nhà vệ sinh. “Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó tháo chân bạn ra? Chiếc xe lăn chính là đôi chân của tôi”, Ali đã nói.

Emina Cerimovic, một trong những nhà nghiên cứu về người khuyết tật của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) cho biết, cô đã thấy những khó khăn mà người khuyết tật di cư từ Syria, Afghanistan và những nơi khác tìm kiếm cuộc sống mới ở châu Âu phải đối mặt. “Những người tị nạn khuyết tật phải bò trên sàn bẩn để vào nhà vệ sinh không có lối đi cho xe lăn. Trong một trại tị nạn, việc di chuyển vào phòng tắm khó khăn đến nỗi, cha mẹ một cậu bé khuyết tật 8 tuổi người Afghanistan phải đặt con trai vào tã lót để tắm”, Emina Cerimovic nói.

Tại trại tị nạn ở Thessaloniki ở Hy Lạp, Amin, một người tị nạn Syria bị điếc, mòn mỏi chờ đợi sự cứu trợ trong 9 tháng. Máy trợ thính của anh bị ướt, hỏng khi di chuyển qua biển Aegean. Không thể trò chuyện, Amin bị cắt đứt liên lạc với những người xung quanh. 

Thay đổi cách nhìn về người khuyết tật

Ước tính, khoảng 10 triệu người khuyết tật đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh. Xung đột là nguyên nhân của 16% các trường hợp khuyết tật. Nhà nghiên cứu Ilaria Allegrozzi của HRW châu Phi cho biết, tại Cameroon, người khuyết tật là một trong những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các cuộc xung đột. Các gia đình đã buộc phải đưa ra lựa chọn đau lòng giữa việc bỏ lại người thân bị khuyết tật hoặc đưa họ đến những chuyến đi dài cả tuần qua rừng.

Các nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi Liên minh châu Âu, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên đưa ra những quy định ràng buộc về mặt pháp lý để bảo vệ người khuyết tật. Được biết, các Nghị quyết sắp tới của UN về Nam Sudan, Afghanistan và Cộng hòa Trung Phi có thể sẽ được bổ sung các quy định liên quan đến người khuyết tật. “Tôi muốn mọi người thay đổi cách nhìn về những người khuyết tật. Thay vì chỉ đánh giá họ thông qua việc mô tả khiếm khuyết trên cơ thể, hãy nhấn mạnh đến phẩm giá, tính nhân văn bên trong con người họ”, Mustafa nói.

Mustafa nhớ lại cuộc sống với bệnh bại não của mình ở Syria. Cô chỉ được gia đình cho ra ngoài vào bữa tiệc đón năm mới, 364 ngày còn lại giống như bị quản thúc tại gia. “Ở Syria, tôi đã sống một cuộc sống mờ nhạt, ngay cả khi đó là thời bình. Ở Đức, nơi các trường học và rạp chiếu phim thường có lối đi riêng cho xe lăn. Nó không chỉ là việc thuận tiện khi di chuyển mà  còn là sự tôn trọng. Ở Đức, tôi không cảm thấy bị thương hại. Mọi người không đánh giá thấp một người chỉ vì anh ấy bị khuyết tật. Người khuyết tật như tôi được tạo điều kiện để phát huy hết khả năng của mình. Tôi đã có kế hoạch theo học chuyên ngành tâm lý tại trường đại học”, Mustafa nói.