Cuộc sống trong “tù” của một tin tặc Trung Quốc

ANTĐ - Sau khi công ty an ninh mạng Mediant của Mỹ cáo buộc quân đội Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ,  thì mới đây tờ Thời báo Los Angeles đã đăng tải câu chuyện của một thanh niên họ Vương nói về công việc làm hacker (tin tặc) trong một đơn vị quân đội Trung Quốc.

Công việc cực nhọc

Hacker họ Vương có biệt danh là “Rocy Bird” mặc quân phục khi làm việc tại một tòa nhà ở thành phố Thượng Hải. Ngày làm việc bắt đầu từ 8h sáng tới 17h30 nhưng các hacker thường được yêu cầu làm việc đến tận buổi tối. Vương cho biết, đây là công việc cực nhọc nhưng thu nhập lại thấp. Do không có tiền và ít thời gian rảnh rỗi, Vương tìm niềm an ủi trên Internet như mua sắm, trò chuyện với bạn bè và tán tỉnh một cô gái nào đó qua mạng. Anh rất thích bộ phim “Prison Break” (Vượt ngục) và lấy tên bộ phim này để đặt cho blog của mình. 

Quân đội Trung Quốc tuyển dụng các tài năng khoa học máy tính, toán học và ngôn ngữ học từ các trường đại học hàng đầu của nước này cho các chương trình gián điệp mạng. Cũng giống như ở Mỹ, các sinh viên học trong các trường quân sự đều được miễn học phí. 

Vương kiếm được tấm bằng thạc sĩ an ninh mạng ở tuổi 25 tại Đại học Kỹ thuật thông tin ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Ngay sau khi tốt nghiệp năm 2006, Vương được nhận về một đơn vị chuyên hoạt động tấn công mạng có trụ sở đặt tại Thượng Hải. Trong blog cá nhân, Vương không tiết lộ anh làm việc cho đơn vị nào, nhưng nói rõ rằng mình đang là một quân nhân. Theo mô tả của Vương, tòa nhà nơi anh làm việc ở xa trung tâm thành phố Thượng Hải. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Vương là cải tiến virus Trojan để chiếm quyền điều khiển hệ thống máy tính nhằm ăn cắp thông tin từ xa.

Trong tháng 7-2007, Vương tự hào rằng, virus của anh ta đã “qua mặt” ba phần mềm diệt virus của các hãng an ninh mạng hàng đầu thế giới là McAfee, Symantec và Trend Micro. Tuy nhiên, nó đã không vượt qua được phần mềm của Kaspersky. Vương cũng “khoe” một thành công khác đó là tạo ra một virus phát hiện bất kỳ thiết bị lưu trữ USB gắn vào máy tính và sao chép các tập tin của nó. Thành tích của Vương khiến “ông chủ” hài lòng. 

Bắt đọc nhiều tạp chí nước ngoài

Trong blog của mình, Vương phàn nàn về việc bị nhắc nhở phải cải thiện kỹ năng tiếng Anh cũng như bị bắt đọc quá nhiều tạp chí nước ngoài để sử dụng khi thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào hầu hết các mục tiêu ở Mỹ. Vương cũng lấy làm không vui vì cho rằng môi trường làm việc của anh bị tù túng. Tại một buổi gặp gỡ bạn bè cũ về thăm trường, hacker này cũng cảm thấy xấu hổ khi chào hỏi họ vì mức lương của anh cũng như triển vọng công việc trong tương lai. Trong số những bạn bè của Vương có người trở thành luật sư, người kinh doanh bất động sản hay tài chính. Cũng có người viết chương trình cho công ty phần mềm thương mại. Nỗi khổ của Wang  được thổ lộ ngay từ tiêu đề bài blog cá nhân trên trang mạng xã hội Sina.com: “Số phận đã làm cho tôi cảm thấy mình bị cầm tù. Tôi muốn được giải thoát”.

Vương chưa bao giờ đưa ra ý kiến ủng hộ hay phản đối hoạt động tấn công mạng của chính phủ Trung Quốc, nhưng rõ ràng anh hối tiếc vì đã gia nhập lực lượng này. Nhờ sự trợ giúp của gia đình, anh đã không làm công việc “tin tặc” vào năm 2008 và ngừng viết blog một năm sau đó. Vương được cho là hiện đang sống ở Thành Đô.

Gia tăng lo ngại về an ninh mạng

Nhưng điều đáng nói là, trong giai đoạn các bài viết của Rocy Bird 2006-2009, cũng xảy ra trùng với các vụ tấn công mạng gia tăng đột ngột bị phát hiện bởi Mandiant. Trong một báo cáo tháng trước, công ty cho biết tin tặc đã đánh cắp một cách có hệ thống hàng trăm  terabytes từ 141 tổ chức, hầu hết của Mỹ. Các ngành công nghiệp bị nhắm đến là hóa chất, công nghệ, dịch vụ tài chính, khai thác mỏ, năng lượng, y tế, các cơ quan truyền thông và tổ chức quốc tế. Dữ liệu bao gồm các bản thiết kế, chiến lược giá cả và email, bị nghi ngờ được chuyển cho doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc để tăng lợi thế cạnh tranh.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận tấn công mạng và cho biết nước này cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công có nguồn gốc từ Mỹ. “Không gian ảo cần các quy định và hợp tác, chứ không phải chiến tranh. Trung Quốc sẵn sàng đối thoại xây dựng và hợp tác với cộng đồng toàn cầu, bao gồm cả Hoa Kỳ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh nói tại cuộc họp báo hôm mới đây.

Tuy nhiên, mối lo ngại về an ninh mạng đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ cho rằng, các vụ tấn công và gián điệp mạng hiện có khả năng gây ra mối đe dọa tiềm tàng còn lớn hơn cả al-Qaeda và các tổ chức phiến quân khác. Ngày 20-3, quân đội Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo nguy cơ tấn công của tin tặc sau khi hệ thống mạng của hàng loạt kênh truyền hình và ngân hàng lớn bị đánh sập.