Cuộc sống căng thẳng nơi vựa sản xuất vani lớn nhất thế giới

ANTD.VN - Mỗi đêm, anh Ninot Oclin, 33 tuổi lại đi tuần tra quanh trang trại của mình với một khẩu súng trường trên vai. Nếu nghe tiếng người nhảy xuống, anh biết đó là kẻ trộm cây vani đang thu hoạch. Vùng núi Đông Bắc Madagascar này chính là nơi sản xuất khoảng 80% lượng vani - một trong những hương vị đắt nhất trên thế giới.

Giá vani năm ngoái đạt 600 USD/kg, tăng vọt so với chỉ 50 USD/kg vào năm 2013. Nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thế giới đối với hương liệu này góp phần làm cho giá tăng đột biến, khi mà vani được sử dụng rộng rãi từ kem đến rượu hay mỹ phẩm. Trong khi đó, nguồn cung bị giảm đi do hòn đảo nằm ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam châu Phi này năm ngoái bị bão tàn phá. Với khí hậu và đất đai thuận lợi để trồng vani, Madagascar đang có sự bùng nổ kinh tế, nhưng kéo theo nó là cả những hệ lụy xã hội không mong muốn.

Cuộc sống căng thẳng nơi vựa sản xuất vani lớn nhất thế giới ảnh 1Những người nông dân Madagascar phải tuần tra mỗi đêm để bảo vệ trang trại mùa thu hoạch vani

Nông dân trang bị súng để bảo vệ cây

Hầu hết cây vani ở vùng Sava, nơi có những ngọn đồi do núi lửa bồi đắp của Madagascar được trồng ở những trang trại nhỏ. Trung bình mỗi cây trồng được 3-4 năm thì bắt đầu cho quả. Hoa vani nở mỗi năm một lần trong 24 giờ và phải được thụ phấn ngay lập tức. Với người Aztec cổ đại, tộc người đầu tiên trên thế giới biết sử dụng vani, loài ong Melipona ở Mexico làm công việc thụ phấn đó. Tuy nhiên, loài ong này không sống ở Madagascar nên người nông dân ở đây mỗi mùa phải thụ phấn thủ công bằng việc sử dụng cây kim có kích thước như đầu tăm cho khoảng 40 triệu cây vani. Sau khi thụ phấn 2 tháng, mùi hương vani bắt đầu tỏa ra từ những hạt nhỏ màu đen của quả, nhưng quả đã hái không để được lâu nên cần phải nhanh chóng tìm được người mua.

Công việc khó khăn đó không làm cho anh nông dân Ninot Oclin ngại mà đáng lo nhất là vấn đề an ninh. Bọn trộm ở đây có thể liều lĩnh tấn công và giết chủ trang trại để lấy quả vani. Vì vậy, Oclin thuê thêm 3 người đàn ông khỏe mạnh để bảo vệ trang trại 3.000 cây vani của mình trong suốt 4 tháng trước khi thu hoạch mùa hè. Những người đàn ông này được trang bị vũ khí, kể cả súng trường như Oclin. 

 Hồi tháng 4-2018, một dân quân địa phương bắt được tên trộm với gần 3kg vani mới hái. Người này đã bị đánh đến chết do cư dân địa phương kéo đến. Đó chỉ là một trong hàng chục vụ giết người vì vani trong 2 mùa qua. Vậy mà tội phạm vẫn không chùn tay. “Chúng tôi đã xử lý 33 vụ, chủ yếu là ăn trộm vani”, ông Volozara Sakina Mohamady, Giám đốc nhà tù ở Antalaha, một trong những trại giam chính của vùng Sava nói.

Mặt hàng được ví như kim cương

Ở Sambava, Pascale Rasafindakoto, 44 tuổi là lái buôn đang chờ đợi các đầu mối đưa về những túi hàng hạt vani với đủ loại kích cỡ và cân nặng để thu mua. Đôi khi, ông Rasafindakoto mạo hiểm đánh xe vào vùng nông thôn giao dịch. Người lái buôn này thuộc lòng nơi nào phải nộp “lộ phí” để đi qua an toàn. 

Vì quả vani có thể hỏng rất nhanh, người nông dân hay bị ép giá nhưng tầng lớp trung gian như ông Rasafindakoto thì lợi nhuận có khá hơn. Ông Dominique Rakotoson, 55 tuổi, một nông dân lâu năm ở Sambava, đại diện cho 100 gia đình trồng vani nói: “Mặc dù vani tăng giá, hầu hết nông dân chúng tôi vẫn nghèo vì phải bán sản phẩm ngay lập tức hoặc quá sớm”. Còn với thương nhân Rasafindakoto, từ khi buôn bán vani, ông đã có cuộc sống khá thoải mái, xây nhà mới và thỉnh thoảng cùng bạn bè ra biển ăn đồ nướng.

Ở tầng lớp khác, Michel Lomone, một ông chủ lớn ở Antalaha, có cả một kho hàng và đội quân phân loại, đóng gói vani khô xuất khẩu cũng có mối quan tâm lớn nhất giống như anh nông dân Oclin: Trộm cắp. Nhiều năm qua, doanh nhân Lomone đã bị đánh cắp cả tạ vani trong kho. Tất cả nhân viên ở đây đều bị khám xét khi rời khỏi nơi làm việc. Ông Lomone sản xuất vani “bourbon” chất lượng cao nhất, sử dụng kỹ thuật sấy và làm khô mất vài tháng. “Những quả vani tuy nhỏ nhưng lại rất có giá nên rất dễ che giấu. Nó giống như kim cương ở Nam Phi vậy”, ông chủ này nói. 

Năm nay, vụ mùa thuận lợi, giá vani có thể giảm nhưng nguồn thu đối với mặt hàng này dự báo sẽ tăng mạnh. Tuy vậy, doanh nhân Lomone lo ngại về tác động đối với văn hóa địa phương, khi con người ta có thể làm bất cứ điều gì để làm giàu nhanh chóng. “Hiện giờ ở Madagascar không phải là vấn đề đói ăn mà là sự nghèo nàn về văn hóa. Người ta đua nhau kiếm tiền nhanh. Điều đó không tốt”, ông Lomone nói.