Cuộc gặp Israel - Palestine: Xuôi theo thế cờ của Mỹ?

ANTD.VN - Lần đầu tiên kể từ sau “cơn địa chấn” khi Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Bộ trưởng Kinh tế Palestine Abeer Odeh và Bộ trưởng Tài chính Israel Moshe Kahlon đã cùng cắt băng khánh thành hệ thống máy quét hàng hóa tại khu vực cầu Allenby nằm giữa Jordan và Bờ Tây. 

Cầu vượt Allenby do Israel nắm quyền kiểm soát nằm giữa Jordan và Bờ Tây 

Hệ thống máy quét mới do Hà Lan tài trợ này sẽ cho phép nâng lưu lượng vận tải qua biên giới Jordan và Palestine lên 200 container/ngày, gấp đôi năng lực hiện nay. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Kahlon cho biết hai bên đã liên lạc và nhất trí “hành động có trách nhiệm và thúc đẩy một số dự án chung”. Ông Kahlon cũng khẳng định sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah tại Jerusalem trong ngày 4-2 tới để bàn về việc thúc đẩy các dự án trên. 

Tuy nhiên, thông tin về cuộc gặp này chưa được phía Palestine xác nhận. Theo kế hoạch, Thủ tướng Hamdallah sẽ đến Brussels (Bỉ) trong ngày 31-1 để có cuộc gặp “khẩn cấp” với một Ủy ban điều phối các khoản hỗ trợ quốc tế cho Palestine. Tuyên bố của chính quyền Palestine cho biết ông Hamdallah sẽ đề cập tới cuộc khủng hoảng tài chính mà Palestine đang phải đối mặt và tìm kiếm nguồn quỹ cho Gaza.

Chuyến đi của Thủ tướng Palestine diễn ra sau khi Mỹ quyết định chỉ giải ngân 60 triệu USD trong tổng gói viện trợ 125 triệu USD dành cho Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên hợp quốc (UNRWA) phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine. Washington sẽ tạm thời chưa giải ngân 65 triệu USD còn lại. Mỹ là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho UNRWA, với cam kết gần 370 triệu USD trong năm 2016. UNRWA cung cấp các dịch vụ như trường học và trạm y tế cho 5,3 triệu người tị nạn trên các vùng lãnh thổ của Palestine, Jordan, Liban và Syria.

Đối với chính quyền Palestine (PA), đây tiếp tục là nguy cơ lớn do thiếu nghiêm trọng nguồn tiền mặt để hoạt động. Cùng với việc các nước láng giềng Arab không thực hiện trọn vẹn những cam kết hỗ trợ trong khi các nhà tài trợ quốc tế có xu hướng tài trợ trực tiếp cho các tổ chức thay vì thông qua PA để tránh thất thoát và tham nhũng, chính quyền Palestine sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, thậm chí có thể sụp đổ. Và nguy cơ này sẽ “bật đèn xanh” cho phong trào Hồi giáo Hamas đẩy mạnh kế hoạch thao túng khu Bờ Tây và sáp nhập với quyền lực họ đang nắm giữ ở Dải Gaza. 

Động thái cắt viện trợ của Mỹ chủ yếu là để buộc Palestine đi theo lộ trình của mình: chấm dứt việc phản đối Israel và ngồi vào bàn đàm phán dưới sự bảo trợ của Washington. Tuy nhiên, một thành viên Ban Điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine khẳng định Tổng thống Abbas “cực kỳ nghiêm túc về việc loại Mỹ khỏi tiến trình hòa bình, bởi ông ấy sẽ không chấp nhận áp lực từ phía Washington”. Vì thế, PA đang đàm phán với các nước tài trợ khác trên thế giới “để thiết lập một mạng lưới an ninh cho nền kinh tế Palestine”. 

Nhưng trên bàn cờ Trung Đông lúc này, PA đang đứng trước nhiều bất lợi trong bối cảnh Nhà nước Do Thái và các nước Hồi giáo Sunni có động thái hòa giải vì cùng chung mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Iran theo dòng Hồi giáo Shiite. Các quốc gia như Đức và Pháp có thể sẽ tăng viện trợ cho Palestine, song con số này sẽ chỉ ở mức rất giới hạn bởi các nước châu Âu đều không muốn gạt Washington ra ngoài lề.

Nga và Trung Quốc, từng đề xuất có được một vai trò lớn hơn trong tiến trình hòa bình nhằm mục đích chung là đối trọng vị thế chủ đạo của Mỹ tại Trung Đông. Nhưng cả hai đều chưa thực sự sẵn sàng cho vai trò này. Xét cho cùng, Mỹ vẫn là nước duy nhất có đủ khả năng cung cấp các viện trợ tài chính cho người Palestine và đảm bảo các nỗ lực ngoại giao bất chấp hàng loạt thất bại nhằm tiến tới một thỏa thuận hòa bình.

Nếu Palestine nhận ra rằng họ đang “đơn thương độc mã”, họ sẽ buộc phải từ bỏ những yêu cầu của mình và chấp nhận đi theo một hướng khác ít bảo thủ hơn, có thể là quay lại với Israel từ những dự án hợp tác kinh tế như Allenby để tiến tới mục tiêu lâu dài hơn.