Cuộc đối thoại căng thẳng
(ANTĐ) - Cứ nhìn vào các tuyên bố mà Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi và Bộ trưởng tài chính Mỹ H. Paulson liên tục đưa ra tại cuộc “Đối thoại kinh tế cấp cao Trung-Mỹ” thì có thể thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thế nào.
Đối thoại kinh tế cấp cao Mỹ - Trung do Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Bush đề xuất hồi năm ngoái với mục đích giải quyết các vấn đề kinh tế song phương có tính chiến lược nhằm duy trì quan hệ một cách ổn định. Thế nhưng, sau hai cuộc gặp mở màn khá suôn sẻ, bầu không khí trước lần thứ ba này lại căng thẳng khác thường.
Chỉ cần nhìn vào báo cáo thương mại Mỹ - Trung là có thể hiểu vì sao mối quan hệ đó lại nóng lên đến như vậy. Những dòng hàng giá rẻ đủ loại với cái mác “sản xuất tại Trung Quốc” đang đổ vào Mỹ mạnh đến mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc hiện đã lên tới con số khổng lồ 233 tỷ USD.
Về phần mình, các ông nghị Mỹ đã không ít lần thông qua các dự luật ngăn cản các công ty Trung Quốc mở rộng hoạt động ở Mỹ. Điển hình là cú “ngáng chân chính trị” của Thượng viện Mỹ ngăn không cho hãng dầu lửa CNOOC Limited của Trung Quốc mua lại tập đoàn dầu khí Unocal hàng đầu của Mỹ với lý do an ninh.
Cái bắt tay thân thiện giữa bà Ngô Nghi và ông H. Paulson không làm giảm được sự căng thẳng trên bàn đàm phán |
Trong bối cảnh đó, cuộc đối thoại hóa ra lại là nơi để hai bên tỏ rõ sự tức giận. Trong khi phía Mỹ nhắc lại yêu cầu Trung Quốc cần thả nổi đồng nhân dân tệ để cân bằng lại cán cân thương mại, thì Bắc Kinh lại cho rằng chính việc Washington cố ý duy trì chính sách đồng USD yếu mới là mối lo ngại thực sự đe dọa nền kinh tế toàn cầu.
Lời qua tiếng lại cứ thế căng thẳng thêm, đến mức bà Ngô Nghi phải cảnh báo rằng, đối thoại là con đường duy nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại và kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ vì việc chính trị hóa vấn đề này sẽ làm tổn hại quan hệ buôn bán giữa hai bên.
Một vài ngày trao đổi chắc chắn không thể giải quyết được cả đống vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ - Trung hiện nay.
Tuy nhiên, dù lời lẽ hai bên căng thẳng như vậy nhưng ít ai cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hoặc xấu hơn nữa là khả năng đổ vỡ quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, có thể xảy ra.
Nguyên nhân là bởi sự ràng buộc khá chặt giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này, trong khi bên nào cũng có thế mạnh làm đối phương phải do dự trước mỗi động thái.
Nhìn vào Trung Quốc, đây là thị trường có sức hấp dẫn đặc biệt bởi quy mô khổng lồ của nó. Người ta tính rằng trong vòng 20 năm nữa, chỉ riêng ngành hàng không nước này cũng đã cần tới 1.000 máy bay chở khách các loại.
Đó là nguồn lợi hàng chục tỷ USD mà các hãng sản xuất máy bay của Mỹ không thể cho phép mình đứng ngoài.
Người tiêu dùng Mỹ thì lại đóng góp mỗi năm hàng tỷ USD lợi nhuận cho các ngành may mặc, sản xuất đồ chơi, giày dép của Trung Quốc, đảm bảo việc làm cho hàng chục triệu người Trung Quốc.
Chính vì thế mà dù trên bàn các nghị sĩ Mỹ đã đặt sẵn tới 50 dự luật mang tính bảo hộ có liên quan đến Trung Quốc, hợp đồng trị giá hàng tỷ USD mua máy bay Boeing các loại của Mỹ đang không biết khi nào được phía Trung Quốc “bật đèn xanh”, các nhà phân tích đều cho rằng cuối cùng hai bên cũng sẽ tìm được lối thoát bởi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ đã quá lớn.
Hoàng Sơn