Cuộc đời kỳ lạ của một "siêu điệp viên" Đức

ANTD.VN - Từ đàm phán với đội quân Hezbollah cho đến truy tìm chất thải độc hại bị đánh cắp, Werner Mauss là một trong những điệp viên hàng đầu của Đức, nhưng những việc làm đen tối của nhân vật “2 mang” này cũng rất đáng quan tâm.

Trong giới mật vụ, Werner Mauss có biệt danh là “Gã 9 ngón” vì bàn tay trái bị thiếu mất một ngón. Người dân địa phương thấy ông ta xưng là Richard Nelson, nhân viên ngân hàng chỉ biết ông là Claus Möllner, còn các chính trị gia đơn giản gọi ông ta là 007.

Trong ít nhất 30 năm qua, Werner Mauss được cho là đã hoạt động qua lại giữa thế giới tội phạm ngầm với các cơ quan tình báo, lôi kéo các trùm ma túy, lấy lại hàng hóa đặc biệt bị đánh cắp, thương lượng với những kẻ khủng bố và tráo đổi thân phận cùng địa điểm hoạt động bằng máy bay riêng. Nhưng trong tuần này, người đàn ông 77 tuổi lại đang đối mặt với tòa án quận ở Bochum để chờ phán quyết cuối cùng cho cáo buộc trốn 14 triệu euro tiền thuế và án phạt có thể lên tới 6 năm 3 tháng tù.

Cuộc đời kỳ lạ của một "siêu điệp viên" Đức ảnh 1Werner Mauss, 77 tuổi đang đợi phán quyết cuối cùng của tòa án Bochum, Đức

Chân dung người nổi tiếng

Sinh năm 1940 tại Essen, Mauss phát hiện ra tài năng của mình trong việc thuyết phục người lạ khi làm đại diện bán hàng một hãng máy hút bụi. Mới 20 tuổi, ông đã mở một công ty về thám tử cùng người vợ đầu của mình, vụ việc chủ yếu là điều tra các ông chồng ngoại tình, lừa đảo bảo hiểm. Chuyển sang nhắm vào các băng nhóm tội phạm, Mauss giả vờ quan tâm đến việc mua xe cộ, đồ trang sức bị đánh cắp và khi những kẻ tội phạm tin tưởng tiết lộ về kế hoạch trộm cướp, ông ta liền cảnh báo cảnh sát. 

Từ năm 1970 đến 1996, tên của Mauss được đề cập đến trong hầu hết các vụ án hình sự ở Tây Đức. Theo tiểu sử do nhà báo Stefan Aust chắp bút, Mauss tuyên bố đã tổ chức bắt giữ ít nhất 162 kẻ buôn lậu kim cương, trộm cắp và buôn bán ma túy chỉ từ tháng 6-1970 đến tháng 5-1971. Năm 1976, cá nhân Mauss bắt được thành viên của nhóm khủng bố Baader-Meinhof tại một sạp báo ở Athens. Năm 1983, Chính phủ đã trực tiếp giao cho ông ta thu về 41 thùng rác thải độc hại “mất tích” trong quá trình vận chuyển, không hiểu sao chúng lại ở một trang trại tại miền Bắc nước Pháp. 

Những năm 1980-1990, danh tiếng của Mauss lan ra phạm vi quốc tế khi ông ta là người thương lượng với Hezbollah để giải thoát cho các nhà công nghiệp bị bắt cóc ở Lebanon. Cùng thời gian đó, Mauss có chuyến xuyên rừng Nam Mỹ để đón công dân Đức được nhóm du kích ELN thả tự do. Lần này, Chính phủ Colombia nghi ngờ ông ta đã thông đồng với những kẻ bắt cóc để tăng tiền chuộc nên đã bắt giam 9 tháng.

Hầu tòa vì trốn thuế

Công tố viên của Đức tin rằng Mauss đã đổ vào lối sống xa xỉ của mình qua 2 tài khoản của ngân hàng UBS ở Luxembourg và Bahamas, tất cả đều nhằm trốn thuế. Một nhà quản lý của UBS trả lời điều tra viên rằng ông Mauss thường xuyên sang Luxembourg để rút tiền mặt từ tài khoản của mình, “khoảng 300.000 euro mỗi tháng”.

Cơ quan thuế của Đức đã theo dõi hoạt động của Mauss sau khi mua dữ liệu ngân hàng Thụy Sĩ bị rò rỉ vào năm 2012. Năm ngoái, tờ nhật báo Süddeutsche Zeitung phát hiện ra một trong những bí danh của điệp viên này được nhắc đến trong Hồ sơ Panama. Mauss tuyên bố rằng ông không phải trả thuế trên số tiền có trong tài khoản của UBS bởi vì nó đến từ một quỹ ủy thác do các cơ quan tình báo phương Tây thiết lập nhằm hỗ trợ ông ta trong “cuộc chiến bí mật chống tội phạm và khủng bố”. 

Trong phiên xử kéo dài gần 1 năm tại tòa án quận Bochum, Mauss khai rằng mặc dù công khai danh tính từ năm 1996 nhưng đến nay ông ta vẫn tiếp tục thực hiện các sứ mệnh đặc biệt giống như điệp viên 007, thậm chí còn đang “chiến đấu chống lại IS”. Nhưng bị cáo không giải thích được về lý do tại sao các cơ quan tình báo nước ngoài lại có thể thành lập một quỹ ủy thác cho ông ta, thậm chí tiền còn dùng để lập bảo tàng “Werner Mauss” sau khi ông ta qua đời.

Hôm 18-9, luật sư bào chữa của Mauss điều trần lần cuối, sau đó thẩm phán Markus van den Hövel có 11 ngày để đưa ra tuyên án.

Với “điệp viên 2 mang” này, cuộc sống của ông ta khá thoải mái khi thường xuyên dùng đồng hồ Thụy Sĩ, áo khoác lông thú, bộ sưu tập xe sang Porsche, Jaguars và Cessna 172 và có thể bay trực tiếp đến khắp thế giới từ đường băng trong khu dinh cơ ở khu vực Hunsrück, phía Tây Nam nước Đức. Khu nhà riêng này ông ta mua từ cuối những năm 1960, được tờ báo địa phương Rhein-Zeitung gọi là “lâu đài Disney World”, bên trong có cả những ngôi chùa, vườn thú và trại ngựa tư nhân lớn nhất nước Đức.