Cuộc đoàn tụ ở Congo
(ANTĐ) - Bức ảnh của cô bé Protegee 11 tuổi cõng đứa cháu nhỏ 3 tuổi đang khóc tìm mẹ giữa một biển người ở Kiwanja, miền Đông Congo hôm 6-11 đã khiến nhiều người xúc động. Giữa cảnh loạn lạc đó, lòng trắc ẩn của con người đã xui khiến tác giả bức ảnh đưa bọn trẻ đoàn tụ với gia đình. Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng. Dưới đây là bài viết của Jerome Delay, phóng viên ảnh của AP thường trú tại châu Phi.
Khoảnh khắc thời loạn lạc
Tôi chụp được ảnh Protegee hôm 6-11 giữa đám đông hàng nghìn người ở thị trấn Kiwanja, cách thủ phủ Goma của tỉnh miền Đông Congo khoảng 90km. Từ bức ảnh Protegee lấy áo chùi nước mắt trong khi đứa cháu gái trên lưng đang la hét, hàng trăm bức thư điện tử từ khắp nơi trên thế giới gửi về với hy vọng có thể giúp được bọn trẻ. Trở lại đây sau vài hôm, tôi được biết Protegee và Reponse đã lang thang suốt 3 ngày đi tìm mẹ sau khi gia đình họ phải sơ tán từ ngôi làng ở Kiseguru, cách đó khoảng 12 dặm. Tối ngủ nhờ trong một nhà thờ, bọn trẻ không có thức ăn hay nước uống.
Thống kê của Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF cho thấy, chỉ trong tuần trước, hơn 1.600 trẻ nhỏ ở tỉnh miền Đông Congo đã phải tìm kiếm cha mẹ. Tuổi của chúng còn nhỏ, trong khi không thể đưa ra thông tin chi tiết giữa cảnh loạn lạc nên càng khó tìm người thân.
Là phóng viên, tôi từng chụp ảnh chiến tranh và những người tị nạn trên khắp thế giới kể từ đầu những năm 1980. Nhưng tôi đặc biệt xúc động bởi phản ứng của người đọc đối với bức ảnh hai em gái nhỏ, khuôn mặt của chúng đầy vẻ sợ hãi và tuyệt vọng. Tôi biết, cơ hội tìm chúng là rất nhỏ, khi mà tôi vẫn trông thấy trẻ em đi lại một mình trên đường phố mỗi ngày. Tôi cũng tưởng tượng không biết sẽ thế nào khi đang tìm những đứa con mình. Tôi quyết đi tìm Protegee.
Vào vùng chiến tuyến
Xung đột ở miền Đông Congo dâng mạnh vào tháng 8-2008. Cuộc chiến giữa quân đội và những tay súng trung thành với nhà lãnh đạo của quân nổi loạn Laurent Nkunda đã khiến ít nhất 250.000 người phải di tản, bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ lớn nhất trên thế giới tại đây. Đến được Kiwanja nghĩa là đi qua vùng chiến tuyến không hề dễ dàng dù chỉ cách Goma vài dặm, bởi ở đây có hàng trăm binh lính nổi loạn trang bị vũ khí hạng nặng và quân đội Chính phủ dàn quân mỗi bên.
Tôi dừng lại gần một căn cứ quân sự của LHQ. Chỉ vài ngày trước, khu vực này có hàng nghìn người tị nạn. Nhưng hiện giờ gần như trống không với khung lều tạm và chiếc lều trắng của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR). Bước vào trong lều, đôi mắt của Maria Mukeshimani sáng lên khi nhìn thấy bức ảnh. Cô mới gặp chúng 5 ngày trước đây. Và người này biết mẹ của Protegee, tên cô ấy là Esperance Nirakagori. Esperance, cái tên của Pháp chứa đựng niềm hy vọng.
Esperance ở nhờ tại một nhà thờ ở Kiwanja. Khi tới nơi, tôi nghe thấy tiếng thánh ca. “Có ai biết Esperance ở đâu không?”, tôi hỏi. Một người già đáp lại cô đang sống ở một ngôi nhà nhỏ gần đó. Tôi đưa bức ảnh, Esperance cười nhìn cô con gái và cháu ngoại. Điều ngạc nhiên là bọn trẻ đã tìm thấy Esperance nhưng người mẹ đã gửi bọn trẻ về làng, một mình và đi bộ. Esperance lo lắng cho sự an toàn của bọn chúng tại Kiwanja và có thể an tâm hơn khi 2 đứa nhỏ được người chị lớn chăm sóc. Người mẹ mân mê bức ảnh. Chỉ khi nói tôi sẽ trở về sáng hôm sau và đưa cô đoàn tụ với bọn trẻ ở Kiseguru, gương mặt Esperance mới dãn ra và cười.
Khi nào mới về làng?
Hôm sau, chúng tôi lên đường, Esperance ôm chặt bức ảnh. Cuộc đoàn tụ với Protegee và Reponse trong một ngôi lều bằng đất khá ngắn ngủi. Mẹ con cười với nhau. Không ai nói gì. Tôi hỏi Protegee, cô bé mồ côi cha từ 2 tháng tuổi trong chiến tranh: “Cháu có vui khi gặp lại mẹ?”. Giọng rất nhỏ, em trả lời: “Có”.
Protegee kể lại em về đến làng Kiseguru hôm 12-11. Nhưng khi đó, chiếc lều của gia đình trống trơn, chị gái và những người họ hàng đã chạy sang Uganda. 5 ngày trong nhà, hai chị em đợi có người lớn nào đó qua đây. Không ai cả. Em quyết định đến Kiwanja tìm mẹ thì chúng tôi trở lại.
Thay vì ở lại làng, Esperance nhờ tôi đưa họ trở lại Kiwanja. Trên đường ở Kiseguru, chúng tôi nhìn thấy 20 người mặc thường phục. Hỏi họ là ai, Esperance đáp: “Mai Mai”. Hồi đầu tháng, người dân Kiwanja kinh hoàng bởi lực lượng ủng hộ Chính phủ Mai Mai. Đội quân này, theo LHQ, thường giết người bị cáo buộc theo quân nổi loạn. Quân đội Mai Mai đang đóng quân ở khu làng này.
Protegee, Reponse và Esperance giờ đã trở lại Kiwanja. Họ xin ở tạm trong góc phòng của một nhà thờ. Bên ngoài, chương trình lương thực LHQ có phát chẩn thức ăn.
Trước khi rời đi, tôi đưa cho Esperance một tấm ảnh, đó là một trong những tài sản hiếm hoi của họ. Khi được hỏi khi nào sẽ hồi hương, Esperance trả lời: “Khi hết chiến tranh”.
Yến Chi
(Theo AP)