Cuộc đấu tranh cho nhân phẩm và quyền tự quyết của phụ nữ Ấn Độ

ANTD.VN - Mỗi năm, có khoảng 32.000 phụ nữ Ấn Độ chết khi mang thai hoặc sinh con. Chính phủ Ấn Độ đã có kế hoạch khẩn cấp đào tạo, nâng cao số lượng và chất lượng các nữ hộ sinh, coi đây là giải pháp chiến lược để giải quyết bài toán nan giải này 

Cuộc đấu tranh cho nhân phẩm và quyền tự quyết của phụ nữ Ấn Độ ảnh 1Các thành viên trong gia đình không được phép vào phòng hộ sinh, nhiều người ngủ trên các hành lang bệnh viện

Phụ nữ không thể bị đối xử tệ 

Đó là thời điểm 1h sáng trong một bệnh viện Nhà nước ở thành phố Hyderabad nằm ở phía Nam Ấn Độ. Một bức ảnh của nữ thần Durga treo phía trên cánh cửa phòng sinh. Đây là vị thần Hindu tượng trưng cho sức mạnh nữ giới nhưng sức mạnh này không phải lúc nào cũng rõ ràng trong phòng hộ sinh. Một nữ hộ sinh 25 tuổi vừa nói, vừa vỗ vào vai người phụ nữ mặc bộ váy màu xanh sẫm.

Rekha và đồng nghiệp là một số rất ít nữ hộ sinh ở Ấn Độ. Họ được đào tạo trong phòng khám tư nhưng làm thêm ca đêm tại bệnh viện Nhà nước vào cuối tuần. Rekha nói rằng, cô đã sốc khi lần đầu tiên đỡ đẻ tại phòng hộ sinh của bệnh viện Nhà nước: “Thường thì phụ nữ bị đối xử tệ. Họ không được chăm sóc trước khi vào phòng sinh và không ai được phép đi cùng trong khi họ sinh con”, Rekha nói. Nhà hoạt động Mallavarapu Prakasamma, người sáng lập Hiệp hội Nữ hộ sinh Ấn Độ nói rằng: “Phụ nữ không thể bị đối xử như động vật”. Các nữ hộ sinh kể lại, họ đã nhìn thấy bác sĩ, y tá đánh vào chân các bà mẹ trong khi sinh hoặc có những lời lẽ xúc phạm họ như: “Tại sao bây giờ lại la hét như vậy? Nếu không nghe theo lời hướng dẫn của chúng tôi, con bạn sẽ chết”. 

Rekha Marandi nói rằng cô và các đồng nghiệp muốn thay đổi cách tiếp cận này. Cô nhẹ nhàng vuốt ve lưng của các sản phụ, chỉ cho họ cách gập đầu gối, kỹ thuật thở để giảm thiểu cơn đau. “Phụ nữ ở đây không có nhiều tiếp cận hệ thống giáo dục để có kiến thức đầy đủ về quá trình sinh nở. Họ sợ và không biết những gì đang diễn ra trong cơ thể mình”, Rekha nói.

Tại “Thủ đô công nghệ” Hyderabad của Ấn Độ, các chính trị gia, bác sĩ phụ khoa và nữ hộ sinh đang cố gắng cải thiện việc chăm sóc bà mẹ. Các quy tắc và niềm tin lỗi thời vẫn định hình cách tiếp cận sinh con ở nhiều bệnh viện Ấn Độ như phụ nữ không nên đi bộ trong khi chuyển dạ, không nên uống nước, đàn ông không được ở trong phòng sinh…

Khẩn cấp giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh 

Theo hồ sơ Y tế Quốc gia năm 2016, 1 trong 769 phụ nữ đã chết vì mang thai, cao hơn nhiều so với mục tiêu Phát triển Bền vững do Liên hợp quốc đặt ra vào năm 2030. Có khoảng 32.000 cái chết như vậy ở Ấn Độ mỗi năm, tính trung bình gần 90 trường hợp mỗi ngày. Hầu hết trong số họ chết vì mất máu hoặc nhiễm trùng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có thể giảm hơn 80% tỷ lệ tử vong ở bà mẹ nếu phụ nữ mang thai được các nữ hộ sinh chăm sóc toàn diện.

Ở Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới, sinh con không chỉ là cuộc chiến cho cuộc sống mới mà cũng có thể là một cuộc đấu tranh cho nhân phẩm và quyền tự quyết. Theo các chuyên gia, Ấn Độ đang nỗ lực cải thiện chỉ số sức khỏe bà mẹ. Tuy nhiên, vai trò của nữ hộ sinh chưa được đánh giá cao. 

Ở Ấn Độ, thuật ngữ “nữ hộ sinh” được sử dụng để chỉ tất cả những phụ nữ giúp đỡ việc sinh nở, đặc biệt là “dais” truyền thống - người làm việc theo kiểu kinh nghiệm nhưng không thể cung cấp dịch vụ chăm sóc khẩn cấp nếu cần. Vijaya Krishnan, người sáng lập Sanctum, một trong số ít các trung tâm sinh sản ở Ấn Độ cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai chưa được coi trọng bắt nguồn từ quan niệm rằng “mọi thứ liên quan đến cơ thể phụ nữ đều bị coi là ô uế”.

Tháng 12-2018, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ triển khai chương trình đào tạo nâng cao chất lượng, số lượng các nữ hộ sinh. Đồng thời, các đơn vị chức năng cũng lên kế hoạch kêu gọi thành lập một học viện đào tạo quốc gia cùng với 5 học viện đào tạo khu vực trên cả nước. Dinesh Baswal, một lãnh đạo phụ trách vấn đề sức khỏe bà mẹ tại Bộ Y tế Ấn Độ nhận định: “Cần có giải pháp khẩn cấp để giảm nhanh tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh”.