Cuộc chiến trước thềm EURO

ANTĐ - Chính quyền Pháp và người lao động cùng giới công đoàn nước này đang “quyết chiến” về dự luật cải cách lao động. Nhiều cuộc biểu tình, đình công đang diễn ra, có thể ảnh hướng tới Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2016 đang cận kề.

Công nhân trong ngành năng lượng của Pháp biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động mới

Sau khi các nghiệp đoàn ở Pháp ngày 30-5 vẫn không thay đổi quan điểm rằng cần hủy bỏ dự luật cải cách lao động mới, các cuộc đình công trong ngành đường sắt và hàng không đang có nguy cơ gia tăng, gây bất ổn cho nước Pháp. Những người tham gia biểu tình và đình công nhất quyết yêu cầu Chính phủ nước này rút lại dự luật cải cách lao động. 

Phản ứng lại, Liên đoàn giới chủ Pháp cáo buộc các nghiệp đoàn cư xử như “những kẻ khủng bố”. Giao thông có nguy cơ bị ảnh hưởng do các cuộc đình công, trong khi những người hâm mộ bóng đá khắp nơi đang rục rịch tới Pháp để cổ vũ cho EURO 2016. Các nhà quản lý trong ngành du lịch ở Thủ đô Paris cũng lo ngại rằng, các cuộc bãi công và tuần hành thường xuyên biến thành bạo lực tại Pháp đang làm cản trở du khách đến một trong những địa điểm du lịch hàng đầu thế giới này, nhất là vào dịp EURO 2016. 

Làn sóng biểu tình và đình công tại Pháp bắt đầu từ tháng 3 năm nay khi Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls đưa ra dự luật cải cách lao động mới với nội dung tạo điều kiện cho giới chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên. Người lao động và các nghiệp đoàn của Pháp lập tức đình công, biểu tình nhằm phản đối dự luật mà họ cho là làm tổn hại tới các quyền cơ bản của người lao động này.

Dự luật cải cách lao động mới đã khiến tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Manuel Valls giảm xuống chỉ còn 24%, mức thấp kỷ lục từ khi ông lên nắm quyền. Trước đó, Thủ tướng Alain Juppe cũng đã dần phải nhượng bộ sau nhiều tuần đình công và biểu tình trên khắp nước Pháp để phản đối dự luật cải cách hưu trí hồi giữa những năm 1990, cuối cùng phải từ chức khi tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống dưới 25%.

Đến lúc này, cả Thủ tướng Manuel Valls và Tổng thống Francois Hollande đều đang tỏ ra rất cứng rắn trước áp lực của người lao động và nghiệp đoàn đòi hủy bỏ dự luật cải cách lao động mới. Thủ tướng Manuel Valls tuyên bố, ông sẽ không nối dài danh sách các chính trị gia bị bất lực trước những người biểu tình, đồng thời cho rằng nếu nhượng bộ người biểu tình và Liên đoàn lao động chỉ vì lo sợ thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2017 thì Chính phủ sẽ đánh mất uy tín của mình.

Đáp lại, Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) sau khi làm tê liệt toàn nước Pháp bằng cách phong tỏa các nhà máy lọc dầu và các kho chứa nhiên liệu, đã lại kêu gọi đình công trong mạng lưới đường sắt quốc gia từ ngày 31-5 và mạng lưới tàu điện ngầm Paris từ 2-6. Ngoài ra, một cuộc tổng đình công trên toàn quốc cũng đã được lên kế hoạch vào ngày 14-6 tới, ngày Thượng viện Pháp bắt đầu thảo luận về dự luật cải cách lao động gây tranh cãi. 

Các cuộc biểu tình, đình công khiến giao thông hàng không, đường sắt đình trệ, gây bất ổn trong xã hội và kéo theo nhiều thiệt hại về kinh tế cho nước Pháp. Sự bất ổn xã hội này càng gây quan ngại hơn trong bối cảnh EURO 2016 chỉ còn đúng 10 ngày nữa là bắt đầu.