Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những bước ngoặt và tác động

ANTD.VN - Thế giới chấn động trước sự kiện hai đại kình địch Mỹ - Trung liên tiếp đưa ra những động thái áp thuế theo kiểu "ăn miếng trả miếng", đặc biệt là quyết định bất ngờ của Tổng thống Donald Trump khi trừng phạt Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) hôm 15-5. Vậy cuộc chiến này khởi nguồn và kéo dài đến khi nào, tác động ra sao tới nền kinh tế thế giới và Việt Nam?

Nhìn lại tiến trình cuộc chiến thương mại

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ ngày 23-3-2018 khi Văn phòng đại diện thương mại Mỹ công bố Báo cáo điều tra theo điều 301 của Đạo luật thương mại năm 1974, đề xuất tăng thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời hạn chế việc mua bán sáp nhập của các doanh nghiệp Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Trên cơ sở báo cáo này, Tổng thống Mỹ D. Trump đã ký sắc lệnh chỉ thị các bộ ngành có liên quan tăng thuế với quy mô lớn vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 60 tỷ USD, đồng thời hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mua doanh nghiệp của Mỹ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ ngày 3-3-2018

Ngày 4-4-2018, Chính phủ Mỹ tiếp tục tuyên bố áp thuế 25% đối với 1.300 mặt hàng trị giá 50 tỷ USD đến từ Trung Quốc. Trước hành động trừng phạt thương mại đơn phương từ Mỹ, Trung Quốc đã có những phản ứng đáp trả ngay lập tức. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố thực hiện áp thuế đáp trả đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 3 tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh sẽ đáp trả Mỹ với quy mô và mức độ tương đương, áp thuế 25% đối với hàng hóa Mỹ trị giá 50 tỷ USD trong đó có đậu nành, cao lương, ô tô, máy bay và hóa chất...

Ngày 5-7-2018, Mỹ tiếp tục áp thuế 25% lên 800 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD gồm các sản phẩm robot, phụ tùng  máy bay, phương tiện vận tải. Ngày 11-7-2018, Mỹ tiếp tục công bố danh sách hơn 1.200 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc diện bị đánh thuế bổ sung 10% trị giá 200 tỷ USD gồm các sản phẩm công nghệ cao, hàng tiêu dùng. Phía Trung Quốc tuyên bố phản đối mạnh mẽ động thái mới trên của Mỹ và sẽ có những biện pháp áp thuế đáp trả tương xứng với những lượng hàng hóa của Mỹ trị giá 110 tỷ USD.

Tháng 12-2018, Mỹ-Trung tuyên bố đình chiến trong vòng 90 ngày để chờ đàm phán một thỏa thuận thương mại. Hết thời hạn trên, Mỹ vẫn hoãn nâng thuế và hai nước tỏ ra lạc quan về việc đạt thỏa thuận (qua 10 vòng đàm phán).

Tuy nhiên, Tổng thống D. Trump (10-5) đột ngột tuyên bố áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ USD của Trung Quốc, đồng thời cân nhắc sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa còn lại có trị giá trên 325 tỷ USD vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết "cốt lõi" trong vòng đám phán thứ 11.

Ngày 15-5, Tổng thống D. Trump "ra tay" trừng phạt Tập đoàn Huawei - Nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và cũng là một trong những niềm tự hào của Trung Quốc. Động thái này của Nhà Trắng được đánh giá là có thể xóa bỏ hoàn toàn mọi nỗ lực đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc từ trước đến nay.

Ngay lập tức, phía Trung Quốc cũng thông báo trả đũa bằng việc nâng thuế với hơn 5.000 mặt hàng trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm 2018.

Nguyên nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay phần nhiều xuất phát từ mục tiêu của chính giới Mỹ. Mặc dù phân phối lợi ích kinh tế thương mại Mỹ-Trung là cân bằng (xét về tổng thể), tuy nhiên các nhà chính trị Mỹ tuyên truyền rằng Mỹ đã chịu thiệt trong thương mại đối với Trung Quốc. Do theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết", ông D. Trump đã phát động và thực hiện cuộc chiến thương mại toàn diện, tiến hành công kích tất cả các đối tác thương mại.

Mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến thương mại đối với Trung Quốc xuất phát từ những căn cứ sau: (1) Yêu cầu Trung Quốc phối hợp, làm giảm tối đa thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Theo thống kê của Mỹ, nhập siêu thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc năm 2017 là 375.2 tỷ USD (dù chịu sức ép thuế nhưng trong năm 2018 vẫn ở mức 323.32 tỷ USD).

(2) Buộc Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa, cải thiện điều kiện để các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc. Từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đến nay, lấy danh nghĩa an ninh quốc gia, an ninh thông tin..., Trung Quốc đã tăng cường hạn chế đối với tiêu chuẩn tiếp cận thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin và ngành dịch vụ liên quan bị hạn chế nhiều hơn. (3) Gây sức ép khiến Trung Quốc thay đổi chính sách trợ cấp cho các ngành nghề mới nổi hiện nay, thậm chí buộc Trung Quốc dừng tham vọng kế hoạch "Made in China 2025", từ bỏ biện pháp cưỡng chế bất hợp lý các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ.

Tác động đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam

Đối với thế giới. Sự trả đũa thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến sự tăng trưởng đang phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và tăng trưởng GDP tại nhiều quốc gia tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu (Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore).

Theo WTO, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm giảm tăng trưởng GDP toàn cầu 0,1%, giảm tăng trưởng thương mại 0,5% trong năm 2018. Tăng trưởng GDP 2018 Trung Quốc giảm từ 0,3-0,5%. Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore và một số nền kinh tế khác tại châu Á sẽ thiệt hại từ 0,6-0,8% GDP do các nước này có độ mở thương mại cao.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu

Chuỗi cung ứng toàn cầu có thể phải điều chỉnh để thích ứng với các rào cản mới. Điều này sẽ làm nhiều nước mất lợi ích cho dù không có tên trong danh sách các nước chịu lệnh áp thuế trừng phạt của Mỹ và Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu tác động từ sự điều chỉnh này.

Đối với Việt Nam. Theo giới chuyên gia, trước mắt, Việt Nam sẽ ít chịu tác động từ cuộc chiến này vì các ngành mà Mỹ trừng phạt Trung Quốc đều không phải là ngành mà Việt Nam tham gia xuất khẩu hàng hóa đầu vào nhiều sang Trung Quốc. Việt Nam nằm cuối chuỗi sản xuất nên căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc khó làm thay đổi xuất nhập khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn.

Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhiều ngành hàng trong nước được dự báo có thể giành thị phần của Trung Quốc tại Mỹ; thậm chí trở thành "công xưởng" mới của khu vực, khi các nhà đầu tư chuyển dần cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước láng giềng, hạn chế rủi ro từ cuộc chiến thương mại.

Hàng dệt may từ Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Trên trang mạng Twitter sáng 13-5, Tổng thống D. Trump nhắc tới Việt Nam như một "thị trường thay thế" cho các công ty sản xuất tại Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định "nỗi sợ" của nền kinh tế thứ hai thế giới là việc khách hàng chọn mua sản phẩm thay thế từ quốc gia khác.

Tuy nhiên, nước ta cũng phải đối diện không ít thách thức từ cuộc chiến thương mại này, có thể tạo nên làn sóng nhập khẩu ồ ạt hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam sau khi đồng NDT bị giảm giá và hàng hóa Trung Quốc không thể xuất sang Mỹ được nhiều như trước.

Nếu Trung Quốc muốn duy trì công suất và mức độ tăng trưởng của mình thì phải tìm thị trường mới. Một trong những thị trường tiềm năng của nước này có thể là Việt Nam. Đây là hệ quả mà Việt Nam cần xem xét, nỗ lực tối đa để tránh những tác động xấu đến nền kinh tế.

Theo dự báo, kịch bản tiếp theo của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ là Mỹ tiếp tục gia tăng trừng phạt, thực hiện thay đổi danh sách trừng phạt trên quy mô lớn, thậm chí lôi kéo các nước đồng minh thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ... gây sức ép với Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các quy tắc của WTO và mở cửa thị trường. Nếu Trung Quốc không chịu nhượng bộ, tiến hành đáp trả Mỹ thì cuộc chiến sẽ leo thang, người chịu thiệt là các bên liên quan nhưng Trung Quốc là "tơi tả" nhất. Ngược lại, Trung Quốc sẽ phải thỏa hiệp và phải mở rộng thị trường cho các công ty Mỹ, tăng mua hàng hóa Mỹ và xử lý tình trạng vi phạm bản quyền của các công ty Trung Quốc.