Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc: Cả hai đều tổn hại nhưng không dễ nhượng bộ

ANTD.VN - Sẽ chẳng bên nào có chiến thắng tuyệt đối hay bên nào thua hoàn toàn, nếu không muốn nói là bên nào cũng có những “thương tích” nặng nề tùy thuộc vào mức độ “ác liệt” của cuộc chiến thương mại đang leo thang nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để có một “thỏa thuận tốt”

Trong một động thái đáng chú ý liên quan tới cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngỏ ý muốn tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và vẫn đang lên kế hoạch đón phái đoàn Trung Quốc tới Washington nối lại đàm phán vào tháng 9 tới. Thông tin này được Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 6-8, đồng thời nói rõ thêm rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tiếp tục đàm phán với Trung Quốc và đi đến một thỏa thuận nhưng đó phải là một “thỏa thuận tốt” cho Mỹ.

Có phần nào đó bất ngờ và không hợp logic khi chính quyền Tổng thống  Donald Trump lên tiếng về việc muốn tiếp tục cuộc đàm phán ngay khi vừa có những quyết định được cho là “đổ dầu” vào “ngọn lửa” chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong đó, khi tuyên bố nâng thuế lên 10% với số hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ USD của Trung Quốc nhập vào Mỹ từ ngày 1-9, tức sẽ đánh thuế cao từ 10-25% đối với toàn bộ hàng xuất khẩu tổng trị giá hơn 500 tỷ USD mà Trung Quốc xuất sang Mỹ mỗi năm, còn chưa hết chấn động, Washington đã liệt Bắc Kinh vào “danh sách đen” thao túng tiền tệ.

“Sẽ không có “kẻ chiến thắng cuối cùng” trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện nay khi cả hai bên đều bị tổn hại và không dễ dàng nhượng bộ trước đối thủ”.

Ông Charles Hankla (Chuyên gia về chính sách thương mại trường Đại học Georgia, Mỹ)

Tuy nhiên, theo giới phân tích, cái đích Washington tung ra những đòn tấn công thương mại dữ dội đi ngược cam kết hòa hoãn để tạo điều kiện cho việc nối lại đàm phán thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được cuối tháng 6 vừa qua bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản là gây sức ép tối đa nhằm buộc Bắc Kinh nhượng bộ trên bàn đàm phán. Cuộc đàm phán thương mại hiện nay, theo như đánh giá của Washington là đang bị Bắc Kinh lợi dụng để “câu giờ”, kéo dài thời gian đàm phán lâu chừng nào tốt chừng ấy.

Vì thế, Washington phải dùng đến những “cú đấm” - tăng thuế lên 10% với 300 tỷ hàng hóa Trung Quốc và đưa nước này vào danh sách thao túng tiền tệ - như là thứ vũ khí để buộc Bắc Kinh vừa chấp nhận những điều khoản đàm phán có lợi cho Mỹ, vừa nhanh chóng kết thúc tiến trình kéo dài.

Song có điều Bắc Kinh hoàn toàn không phải là đối thủ dễ chơi, để Washington có thể tùy ý áp đặt luật chơi theo ý của mình cho dù Trung Quốc bị đánh giá là chịu nhiều thua thiệt hơn trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Thậm chí có nhiều thứ “vũ khí” để đáp trả nhưng ngoài nông sản thì việc tăng thuế với hàng hóa công nghệ cao hay công cụ tiền tệ… có thể lại trở thành “gây ông đập lưng ông” vì đây chính là những sản phẩm rất cần cho nền kinh tế Trung Quốc.

Có lợi thể hơn trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nhưng điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc Mỹ là người giành chiến thắng, nếu không muốn nói cũng phải chịu những tổn thất không nhỏ, đặc biệt với Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh cuộc đua tái tranh cử đã cận kề. Theo ông Charles Hankla, chuyên gia về chính sách thương mại tại Đại học Georgia (Mỹ), sẽ không có “kẻ chiến thắng cuối cùng” trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện nay khi cả hai bên đều bị tổn hại và không dễ dàng nhượng bộ trước đối thủ. Thực tế 18 tháng căng thẳng thương mại vừa qua giữa hai nước cho thấy rõ điều này.

Bởi thế, đàm phán thương mại tìm giải pháp cả hai phía cùng chấp nhận được chứ không phải chiến tranh thương mại là lối thoát “cùng thắng” cho căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay.