Cuộc chiến thông tin
(ANTĐ) - Lần đầu tiên trong lịch sử, một tờ báo của Trung Quốc chính thức được phát hành tại Mỹ. Chưa bao giờ cuộc đua giành quyền kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ thao túng nguồn thông tin lại nóng bỏng đến vậy.
Từ đầu tuần này, tờ báo tiếng Anh hàng đầu của Trung Quốc mang tên “China Daily” đã xuất hiện trên đất Mỹ. Nhìn nhận về sự kiện này, báo chí Mỹ viết: “Sự mở rộng truyền thông toàn cầu của Trung Quốc đã tăng tốc”. Việc phát hành tờ “China Daily” ở Mỹ được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn mở rộng truyền thông của mình ra toàn thế giới. Còn trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của “China Daily”, Phó Tổng biên tập Yingpu nói: “Việc phát hành tại Mỹ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với thông tin về công việc kinh doanh với Trung Quốc”.
Tờ “China Daily” sẽ ngăn chặn sự lũng đoạn của Mỹ trên thị trường thông tin |
Có một thực tế là từ trước tới nay, với tiềm lực vượt trội về kinh tế, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, hầu như độc chiếm trên thị trường thông tin thế giới. Sự độc quyền đã dẫn đến việc trong nhiều trường hợp, thông tin bị bóp méo, thậm chí bị cố tình tạo dựng nhằm những mục đích khác nhau, nhất là về chính trị, của người đưa tin. Chẳng hạn, năm nào Mỹ cũng cho công bố Báo cáo nhân quyền cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền con người. Những tường thuật có tính chất xuyên tạc của các cơ quan truyền thông phương Tây về việc trấn áp các cuộc biểu tình ở Tây Tạng cũng thường xuyên xuất hiện.
Vài năm gần đây, màn tạo dựng thông tin còn lan sang cả lĩnh vực kinh tế. Tất nhiên có chuyện một số mặt hàng của Trung Quốc không đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt. Còn thực chất là những dòng hàng gắn mác “Made in China” càng lấn lướt trên thị trường Mỹ bao nhiêu, thì những thông tin bịa đặt nhằm vào Trung Quốc cũng tăng theo bấy nhiêu mà mục đích thì ai cũng đã rõ. Năm ngoái, phát thanh viên J. Cafferty của kênh truyền hình tin tức CNN nổi tiếng của Mỹ thậm chí còn công khai bình luận rằng người Trung Quốc “ngu dốt” và các sản phẩm của nước này là “đồ bỏ đi”.
Sự trung thực và khách quan của các nguồn thông tin phương Tây ngày càng bị đặt vấn đề. Rõ ràng, sự độc quyền về thông tin đã tạo cơ hội cho sự lạm dụng xuất hiện. Với sự xuất hiện của tờ “China Daily” ở Mỹ, Trung Quốc khẳng định quyết tâm ngăn chặn thực trạng tiêu cực này, đồng thời bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trên thế giới. Cạnh tranh thông tin đã trở thành nhu cầu trong quá trình phát triển của một đất nước, là công cụ không thể thiếu trong cuộc đua giành chiếm thị trường toàn cầu, vô hiệu hóa những đòn đánh ngầm của các đối thủ cạnh tranh.
Trong cuộc đua này, Trung Quốc đã không còn là đối thủ ở chiếu dưới. Sự bùng nổ về kinh tế đã đem đến cho đất nước này nguồn lực quan trọng để bước vào cuộc đua ngang ngửa với các đối thủ, trước hết là Mỹ. Theo tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” của Hồng Kông, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định chi cho mục tiêu này 45 tỷ NDT (6,6 tỷ USD). Đây là nguồn đầu tư lớn trong bối cảnh nhiều tổ chức truyền thông thế giới đang cắt giảm ngân sách do sự phát triển của Internet cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Washington chắc chắn chẳng thể thoải mái khi nhiều “tì vết” của mình, vốn trước đây bị át đi bởi luồng thông tin phần nào đã được “biên tập”, giờ đây được đưa công khai qua tờ “China Daily” phát hành ở Mỹ. Phải phòng ngự ngay trên “sân nhà” quả là điều không dễ chịu.
Hoàng Sơn