"Cuộc chiến" chống nghiện Internet ở Trung Quốc

ANTD.VN - Lúc đó khoảng nửa đêm, chiếc taxi dừng trước cửa khu nhà và bố mẹ của Xiong Chengzuo giao con mình cho người đàn ông có biệt danh “bố già tội ác”. Nói dối là cả nhà sẽ cùng đi chơi xa, thực tế, họ đưa con mình đến trung tâm cai nghiện Internet cách nhà khoảng 600km. 

Các thanh thiếu niên ở trường Xu Xiangyang thường mất cả năm ròng để có thể "cai nghiện Internet"

“Họ đã lừa tôi”, Xiong nói về việc bị đưa vào “trại” ngày 18-12 năm ngoái. Cậu kể, cậu đã hét lên rằng không muốn ở lại nhưng bố mẹ lờ đi và sáng hôm sau họ về nhà. Xiong, 16 tuổi, là một trong số khoảng 23 triệu người nghiện Internet ở Trung Quốc. Và “bố già tội ác” là một cựu chiến binh có tên Xu Xiangyang, người tiên phong giải cứu những người trẻ tuổi khỏi thứ bị coi là “địa ngục ảo”.

"Heroin điện tử" lan tràn

“Tôi hoàn toàn phản đối các trò chơi trực tuyến”, ông Xu, người đứng đầu Trung tâm giáo dục và đào tạo Xu Xiangyang, 57 tuổi ở thành phố Hoài An, cách Thượng Hải khoảng 400km về phía Bắc nói. “Chúng hủy hoại sức khỏe con người, khiến cho các cá nhân không tự kiếm được tiền hay lo cho bản thân. Những trò chơi đó vô nghĩa, không đem lại điều gì tích cực cho cá nhân hay gia đình họ”.

Khi ông Xu Xiangyang khai trương trường này năm 1997, số người nghiện Internet ở Trung Quốc vẫn hiếm hoi. Khi đó, Trung Quốc chỉ mới phổ cập Internet được 3 năm và chỉ có 300.000 máy tính cùng 620.000 người có thể lướt web. Nhưng 20 năm sau, số người sử dụng Internet của quốc gia này đã lên tới 710 triệu người, khiến Trung Quốc trở thành cộng đồng trực tuyến lớn nhất thế giới. Bởi vậy, số người nghiện Internet cũng bùng nổ.

Thủ phạm chính được cho là sự cô đơn con người trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Họ cảm thấy trống rỗng, cuộc sống không như mình mong muốn nên tìm đến quán cà phê     Internet. Một khi đã bước vào những quán cà phê như vậy, nhiều người trẻ tuổi không dứt ra được, ở lỳ đó cả ngày lẫn đêm.

Hồi tháng 4, một thanh niên 17 tuổi ở Quảng Châu đã bị đột quỵ sau khi chơi game liên tục 40 giờ không ngừng nghỉ. Trong một tài liệu năm 2014, người đứng đầu một trại huấn luyện ở Bắc Kinh cho biết, một số game thủ còn mặc bỉm để khỏi phải rời màn hình. Đó là lý do khiến người ta gọi đó là heroin điện tử.

Đưa "người nghiện" trở lại thế giới thực

Trong năm 2008, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới tuyên bố nghiện Internet là một rối loạn lâm sàng. Từ đó, họ đã cố gắng giải quyết vấn đề của thế kỷ 21 này bằng những phương pháp đôi khi rất gây tranh cãi. Có đợt ở Trung Quốc rộ lên những trại cai nghiện Internet, như một trại cách không xa trường của ông Xu Xiangyang, nổi danh vì sử dụng phương pháp trị liệu bằng điện.

Lại có những nơi lạm dụng việc huấn luyện nghiêm khắc nên các học viên bị nhốt trong buồng giống như nhà tù, rồi bị đánh đập, trừng phạt. Năm ngoái, một thiếu nữ đã nhốt mẹ mình, khiến cho bà chết đói để trả thù việc bà đã đưa cô  đi cai nghiện Internet.

Với ông Xu, những phương pháp bạo lực thật vô lý và vô nhân đạo. Trung tâm của ông, với mức phí 36.000 nhân dân tệ một năm, làm cho người nghiện Internet trở lại thế giới thực bằng văn hóa chứ không phải là những cú sốc điện. Ballet, âm nhạc và hài kịch đều nằm trong chương trình giảng dạy ở đây.

Tuy nhiên, đúng với tính cách của một cựu quân nhân, ông Xu cho rằng liệu pháp hiệu quả nhất chính là kỷ luật điều lệnh. Ít nhất 3 lần một năm, các học viên ở đây phải thực hiện cuộc hành quân đi bộ dài 300km qua các vùng nông thôn.

Ba ngày sau khi bắt đầu cuộc hành quân mới nhất trong cái nắng nóng 40 độ C, Xiong kể: “Lúc đầu tôi không thể chịu nổi... Mỗi ngày tôi phải đi 40km. Bàn chân của tôi trầy xước hết”. Tuy nhiên, thiếu niên này cho biết, hành trình đó khiến cậu ta suy nghĩ về lối sống của mình cũng như quyết định của cha mẹ cậu, có lẽ họ không có lựa chọn nào khác là gửi con đến đây.