Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu chưa kết thúc

ANTD.VN - Al-Baghdadi từng bị Mỹ treo giải 25 triệu USD cho người nào cung cấp thông tin giúp bắt sống hoặc tiêu diệt người sáng lập và cầm đầu Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khét tiếng này. Nhưng liệu sau cái chết của al-Baghdadi, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đã được thảnh thơi hay đứng trước thách thức mới?

Tháng 10-2011, Mỹ chính thức liệt al-Baghdadi, người sáng lập và thủ lĩnh hàng đầu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào danh sách những kẻ khủng bố gắt gao nhất thế giới. Không nhiều người hiểu rõ về nhân vật này cùng hành trình gian nan truy nã trùm khủng bố số 1 thế giới.

Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu chưa kết thúc ảnh 1Cái chết của al-Baghdadi sẽ khiến IS khó xây dựng lại được thanh thế và thu hút tân binh

Từ nhà truyền giáo thành thủ lĩnh tối cao IS

Lần duy nhất al-Baghdadi xuất hiện công khai là tại giáo đường Hồi giáo Grand Nuri ở Mosul, Iraq tháng 7-2014. Phương tiện truyền thông khi đó cho thấy, nhân vật này đã có bài phát biểu rất dài. Tại đó, Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố mình là Caliph Ibrahim, lãnh tụ tinh thần tự xưng của một tôn giáo có 1,6 tỷ tín đồ. Điều gì đã xảy ra với học giả nhỏ bé vốn xuất thân từ Baghdad, Iraq để ông ta tuyên bố hùng hổ như vậy?

Đó là một câu hỏi mà câu trả lời nhiều khả năng được tìm thấy trong “lò lửa” chiến tranh Iraq hơn là những chi tiết ít ỏi được biết về cá nhân của Baghdadi. Các trang web của những kẻ thánh chiến và các nguồn khác cho thấy, Baghdadi sinh ra ở Diyala hoặc Samarra vào năm 1971, và từng theo học Đại học Hồi giáo ở Baghdad để nghiên cứu văn hóa Hồi giáo và lấy bằng Tiến sĩ luật. 

Al-Baghdadi làm giáo sĩ trong một nhà thờ Hồi giáo Samarra cho đến khi Mỹ mở cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Một năm sau đó, al-Baghdadi bị bắt trong cuộc nổi dậy của người Sunni chống lại sự chiếm đóng của Mỹ. Sự xâm lược của ngoại bang, cùng với xung đột sắc tộc và sự phân biệt đối xử dưới chế độ của Tổng thống Saddam Hussein đã tạo điều kiện cho một giáo phái IS ra đời với tư tưởng báo thù tàn bạo.

Theo tài liệu công bố năm 2014, al-Baghdadi đã bị giam giữ có lẽ cho đến năm 2009, dưới cái tên Ibrahim Awad Ibrahim Al Badry, ở trại Bucca chuyên giam cầm các lãnh đạo IS và thủ lĩnh thánh chiến tương lai quan trọng khác do Mỹ kiểm soát. Nhà tù dường như đã khiến con người này thay đổi tất cả.

Thế giới chỉ biết đến tên tuổi al-Baghdadi khi hắn trở thành thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) ở Iraq, trước đây gọi là al-Qaeda ở Iraq. Nhóm của al-Baghdadi đi vào hoạt động một cách có tổ chức, bao gồm tống tiền người dân địa phương, cướp ngân hàng, mở các cuộc tấn công lớn hơn và cuối cùng tuyên bố xây dựng Vương quốc Hồi giáo. Vào thời điểm đó, người ta cho rằng tuyên bố của IS có vẻ như vô lý bởi không một nhóm nổi dậy nào có thể kiểm soát được lãnh thổ đầy hỗn loạn như Syria. 

Nhưng IS đã thắng thế và ngày càng mở rộng. Thế giới phải đối mặt với một nhóm khủng bố ngày càng manh động và tàn bạo, mà chính sự tàn ác ấy lại là “chất xúc tác” khiến IS ngày càng tập hợp được những phần tử thánh chiến khát máu và cực đoan.

Không còn xuất hiện công khai kể từ sau lần duy nhất ở Mosul năm 2014, thủ lĩnh đầu sỏ Baghdadi không chỉ đạo hoạt động cụ thể mà cho phép mình trở thành nhà dẫn dắt tâm linh bao trùm tư tưởng thánh chiến lan truyền như virus trên Internet. Đó là thứ thu hút những người đàn ông trẻ và loạn trí ở những miền đất xa xôi như Libya, Brussels và Paris mạnh mẽ đến mức họ sẵn sàng cướp đi mạng sống của người khác và cả của mình chỉ để tỏ lòng trung thành với nó.

Săn lùng “thủ lĩnh vô hình”

Là trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, Baghdadi được cho là luôn giữ bí mật ngay cả với những người ủng hộ mình. Suốt từ đó lần xuất hiện công khai duy nhất tại Mosul, Iraq vào tháng 7-2014, Baghdadi “bặt vô âm tín” đến mức giới tình báo gọi hắn là “bóng ma”, là “lãnh tụ vô hình”. 

Tờ Guardian cho biết, theo một số nguồn tin chưa được chứng thực, Baghdadi đeo mặt nạ khi gặp mặt các chỉ huy của mình. Ngay cả người vợ thứ hai của Baghdadi, tên là Saga al-Dulaimi, người đã có một thời gian ngắn sống với hắn ở Iraq năm 2009 cũng không ngờ chồng cũ của mình là người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới. Trong mắt người phụ nữ này, chồng mình “bình thường” và quý trẻ con. Nhưng 7 năm sau, sau khi được đưa ảnh nhận dạng chồng cũ, cô này mới biết ông ta là thủ lĩnh khủng bố.

Trong suốt 5 năm cuộc chiến chống khủng bố diễn ra tại Iraq và Syria, đã nhiều lần các lực lượng quốc tế tưởng rằng đã giết được Baghdadi hoặc làm cho tên trùm bị thương nặng. Nhưng vẫn có hoài nghi rằng tên trùm còn sống và lẩn trốn đâu đó ở miền Đông Syria dọc biên giới với quê hương Iraq. Hắn ta được cho là đã sử dụng nhiều biện pháp để tránh sự giám sát, không bao giờ sử dụng điện thoại di động, thường xuyên thay đổi nhà an toàn và tránh đi lại trong các đoàn xe có thể thu hút sự chú ý.

Mặc dù hành tung bí ẩn như vậy nhưng al-Baghdadi vẫn lọt vào tầm ngắm của lực lượng tình báo Mỹ và quốc tế. Một quan chức tình báo Iraq ngày 27-10 nói với Reuters rằng tình báo Iraq cung cấp cho liên minh do Mỹ dẫn đầu tọa độ chính xác của al-Baghdadi, mở đường cho cuộc đột kích. Cơ quan này biết được vị trí của al-Baghdadi từ các tài liệu được tìm thấy tại một địa điểm bí mật ở sa mạc phía Tây Iraq sau khi bắt giữ 2 người, một nam và một nữ “thân cận” với thủ lĩnh IS.

Ít ai có thể đoán rằng hắn ta ở Idlib, miền Bắc Syria vì tỉnh này đang bị lực lượng Nga và Syria bao vây, lại chủ yếu do Hayat Tahrir al-Sham, một nhóm dân quân Hồi giáo đối lập với IS kiểm soát và sẵn sàng săn lùng, hành quyết những người bị nghi là thành viên IS. Một số người đã suy đoán rằng gần đây, Baghdadi “trôi dạt” về Idlib để trốn khỏi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Bắc Syria.

Trong khi đó, Polat Can, cố vấn cấp cao của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, nói rằng cuộc đột kích của Mỹ phần lớn là kết quả của công tác tình báo SDF, mặc dù bị gián đoạn bởi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. “Kể từ ngày 15-5, chúng tôi đã phối hợp cùng CIA để theo dõi al-Baghdadi. Nguồn tin riêng của chúng tôi, người đã có thể tiếp cận al-Baghdadi, đã mang đồ lót của al-Baghdadi để tiến hành xét nghiệm DNA và đảm bảo 100% rằng đối tượng chính al-Baghdadi”, ông Polat Can viết trên Twitter. Trong bài phát biểu ngày 27-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảm ơn Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Nga vì sự hợp tác của họ.

Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu chưa kết thúc ảnh 2Cuộc chiến chống quân khủng bố IS vẫn chưa kết thúc

Chiến công chỉ mang tính biểu tượng?

Hồi tháng 3-2019, IS đã chịu đầu hàng tại thành trì cuối cùng của mình tại thành phố Baghouz của Syria. Đó là sự kết thúc của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng, đánh dấu sự suy sụp, không còn khả năng phục hồi của IS. Thất bại đó đã khiến thủ lĩnh tối cao al-Baghdadi xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau 5 năm trong một video. Hành động này được hiểu là nỗ lực củng cố vai trò lãnh đạo của hắn ta trước sự bất đồng trong hàng ngũ và cũng như để chứng minh rằng nhóm tiếp tục tồn tại ngay cả khi không còn lãnh thổ.

Baghdadi không chỉ là một nhà lãnh đạo thánh chiến mà còn là một biểu tượng về tinh thần khi tự nhận là hậu duệ của cháu trai nhà tiên tri Muhammad. Bởi thế, cái chết của nhân vật này cho thấy, những tên trùm khủng bố khát máu và nguy hiểm đến đâu cũng có ngày đền tội và từ giờ, IS cũng không còn lý do “thần bí” gì để tồn tại, chúng cũng giống như các nhóm cực đoan bạo lực khác mà thôi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thủ lĩnh IS chỉ chủ yếu mang tính biểu tượng, vì hắn ta không nắm thực quyền, chỉ đạo trực tiếp mọi hoạt động. Việc loại bỏ al-Baghdadi chắc chắn sẽ khiến IS khó xây dựng lại được thanh thế và thu hút tân binh, nhưng không đủ để chấm dứt một cuộc nổi dậy và ý thức hệ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã sinh ra các nhóm liên kết từ Afghanistan đến Tây Phi. IS có thể sẽ vẫn là trung tâm của phong trào thánh chiến toàn cầu. Tổ chức này phân cấp linh hoạt và quyền hạn phi tập trung nên rất có thể sẽ có thủ lĩnh khác lên thay. Vì thế, thế giới sẽ còn phải nỗ lực nhiều để triệt tiêu và xử lý các phần tử thánh chiến theo IS hiện nay. 

Lầu Năm góc ngày 28-10 cho biết, thủ lĩnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã được chôn cất trên biển theo nghi thức của người Hồi giáo. Nói với Reuters, các quan chức Mỹ giấu tên không tiết lộ nghi thức được thực hiện ở đâu hoặc kéo dài bao lâu. Cùng ngày, ông Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ công bố, Mỹ đã xử lý hài cốt Baghdadi “một cách thích hợp, theo quy trình hoạt động tiêu chuẩn của chúng tôi và theo luật lệ xung đột vũ trang”. Trước đó, sau khi trùm khủng bố số 1 thế giới Osama bin Laden bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của lính Mỹ tại Pakistan năm 2011, thi thể của hắn đã được chuyển lên tàu sân bay USS Carl Vinson và được đưa ra biển sau khi có thực hiện nghi thức tôn giáo.