Cuộc chiến chặn "nguồn sống" của Taliban từ sản xuất và buôn lậu ma túy

ANTD.VN - Ẩn mình trong hang động hoặc những chiếc lều lụp xụp, một cơ sở điều chế heroin của Taliban ở Afghanistan chỉ cần vài chục chiếc thùng để pha trộn, bao tải hoặc bình chứa tiền chất, củi, máy ép, một máy phát điện và một máy bơm nước là đủ. Người ta lo ngại rằng, sự gia tăng những lò sản xuất như vậy khiến cho cuộc chiến chống Taliban ngày càng kéo dài.

Cuộc chiến chặn "nguồn sống" của Taliban từ sản xuất và buôn lậu ma túy ảnh 1Lực lượng chức năng Afghanistan thiêu hủy thuốc phiện tại thành phố miền Đông              Jalalabad năm 2017

Mặc dù chỉ riêng Mỹ đã tiêu tốn hơn 8 tỷ USD để chống lại nạn sản xuất, buôn lậu ma túy ở Afghanistan nhưng Afghanistan vẫn giữ vị trí đầu bảng, sản xuất khoảng 85% lượng ma túy của thế giới. Nếu như các năm trước, lượng lớn thuốc phiện của quốc gia này phải xuất lậu để tinh chế ở các nước khác thì giờ đây, ít nhất một nửa sản lượng được điều chế trong nước. 

Tướng Abdul Khalil Bakhtiar, Thứ trưởng Nội vụ Afghanistan phụ trách lực lượng cảnh sát chống ma túy cho biết, quân nổi dậy đã lợi dụng 2 năm bất ổn gần đây để gia tăng số lượng các cơ sở điều chế ma túy và chuyển gần đến các cánh đồng trồng thuốc phiện hơn. Tướng Bakhtiar ước tính, năm ngoái nước này có khoảng 400-500 lò sản xuất ma túy, chủ yếu ở các vùng do Taliban kiểm soát hoặc giao tranh. Lực lượng chính phủ đã phá hủy hơn 100 cơ sở nhưng ông thừa nhận “chúng có thể xây dựng một cơ sở điều chế như thế chỉ trong một ngày”.

Lợi nhuận kếch xù

Taliban từ lâu thu lợi nhuận bằng việc đánh thuế và đảm bảo an ninh cho người sản xuất và buôn lậu ma túy. Nhưng càng ngày, đội quân này càng trực tiếp nhúng tay vào mọi giai đoạn của công việc kinh doanh ma túy, thách thức một số tập đoàn buôn lậu ma túy lớn trong khu vực. Doanh thu từ thuốc phiện ở Afghanistan lên tới 3 tỷ USD vào năm 2016, gấp đôi so với năm trước đó và tương đương 16% GDP của nước này, theo thống kê của Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc.

Bên cạnh sản lượng ma túy đạt kỷ lục trong năm nay, số lượng tiền chất nhập vào để điều chế ma túy cũng đang gia tăng chóng mặt ở Afghanistan. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ nước này đã tịch thu khoảng 73 tấn tiền chất, vượt xa so với năm 2015. Gần đây, một lô hàng - đã được thông quan bị lực lượng chức năng thu giữ khi đang vận chuyển sang phương tiện khác đủ để có thể điều chế được 15 tấn heroin.

Công nghệ điều chế được cải thiện có nghĩa là ma túy, chiếm ít nhất 60% thu nhập của Taliban, tiếp tục đem lại cho chúng khoản lợi nhuận kếch xù. Một khi Taliban quyết liệt giành quyền kiểm soát lãnh thổ, đặc biệt ở những khu vực trồng thuốc phiện, hy vọng tìm kiếm hòa bình với chính phủ Afghanistan ngày càng mong manh. Một quan chức cấp cao của Afghanistan nói: “Với một chỉ huy Taliban mù chữ ở  Helmand kiếm được 1 triệu USD/tháng như hiện nay, liệu ông ta sẽ có được gì nếu thỏa thuận hòa bình?”. 

Gian nan cuộc chiến chống ma túy

Về phía Trung ương, cuộc chiến chống nạn buôn lậu ma túy xuyên quốc gia và chặn nguồn thu của Taliban chủ yếu rơi vào một đơn vị cảnh sát nhỏ gọi là “Đơn vị ngăn chặn quốc gia”, có khoảng 450 đến 600 biệt kích do đặc nhiệm Mỹ làm cố vấn. Vậy mà họ phải làm cùng lúc hai việc, chống khủng bố và chống ma túy. 

Đơn vị này đóng quân tại một cơ sở biệt lập ở sườn núi của Kabul. Thông thường, đến đêm, lực lượng tinh nhuệ cùng các cố vấn Mỹ xuất phát từ 6 chiếc trực thăng. Họ phải đỗ cách mục tiêu vài dặm và hành quân bằng đường bộ. Tuy nhiên, các cuộc đột kích này hiếm khi bắt được nghi phạm. Những kẻ sản xuất, buôn lậu ma túy thường bỏ trốn ngay khi nghe thấy tiếng động cơ. Các chiến dịch kéo dài không quá vài tiếng, kết thúc bằng việc đốt hết tang vật và thiết bị sau khi đã hoàn thành thủ tục giấy tờ.

Xóa bỏ cây thuốc phiện cũng là thách thức lớn với lực lượng an ninh Afghanistan. Ngay như khu vực Sarobi, chỉ cách Dinh Tổng thống ở Kabul chừng 80km, cơ quan chức năng phải điều người ở nơi khác đến vì lao động địa phương không chịu phá hủy cánh đồng thuộc về hàng xóm của họ. Nhưng đáng sợ nhất là bị Taliban gài bom. Mỗi ngày họ phải rà bom khắp khu vực rồi mới dám đưa người đến phá cánh đồng thuốc phiện. 

“Không có ma túy, cuộc chiến tranh có thể đã kết thúc từ lâu. Heroin là yếu tố tác động rất quan trọng đối với cuộc chiến này”.

Ashraf Ghani (Tổng thống Afghanistan)