Cửa hẹp hòa bình

ANTĐ - Quyết định của Tổng thống Nga V. Putin rút quân khỏi biên giới Ukraine cùng việc Tổng thống hai nước Nga và Ukraine sẽ sớm gặp nhau đang tạo hy vọng làm giảm căng thẳng ở Ukraine. 
Cửa hẹp hòa bình ảnh 1
Chiến sự tại sân bay Donesk của Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt

Tối 11-10, Người phát ngôn của Tổng thống Nga V. Putin cho biết, 17.600 binh sỹ của nước này đang huấn luyện tại vùng Rostov gần biên giới với Ukraine đã được lệnh trở lại các căn cứ của họ. Cùng ngày, Tổng thống Ukraine P. Poroshenko cho biết ông sẽ gặp người đồng cấp V. Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu 2014, dự kiến diễn ra cuối tuần này tại thành phố Milan của Italy.

Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh lệnh ngừng bắn mà hai bên xung đột ở Ukraine ký hôm 5-9 liên tục bị vi phạm. Theo số liệu của Liên hợp quốc, kể từ tháng 4 vừa qua - thời điểm xung đột bùng nổ tại Ukraine, đã có 3.300 người thiệt mạng. Tính riêng từ thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực, con số này là hơn 300 người. Còn hiện nay, những cuộc giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát sân bay Donesk vẫn tiếp tục diễn ra. 

Mặc dù tỏ ra lạc quan nhưng ông P. Poroshenko thừa nhận rằng “không kỳ vọng cuộc đàm phán sẽ dễ dàng”. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đằng sau cuộc đụng độ ở miền Đông Ukraine là sự đụng chạm lợi ích có tính chiến lược giữa Nga và Ukraine. Những quyết định liên tiếp gần đây của chính quyền Ukraine đang đẩy quan hệ Nga – Ukraine xuống vực thẳm.

Trước hết là việc Ukraine ký Thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Đánh giá về hành động này của Ukraine, Tổng thống Nga V. Putin cho rằng, chỉ một sự điều chỉnh của Thỏa thuận liên kết cũng tạo ra nguy cơ đối với mối quan hệ kinh tế Nga - Ukraine và toàn bộ nền kinh tế Nga. Matxcơva cảnh báo sẽ tăng thuế nhập khẩu ngay đối với 174 mặt hàng của Ukraine trong vòng 10 ngày kể từ ngày Kiev bắt đầu thực hiện Thỏa thuận liên kết với EU. 

Nga cũng tỏ ra lo ngại trước việc ngày 28-9, Chính phủ Ukraine đã đệ trình lên Verkhovna Rada (Quốc hội) dự luật bãi bỏ tình trạng không liên kết của nước này và khôi phục đường hướng tiến đến gia nhập khối quân sự NATO. Hiện các khu vực của Ukraine đang bất đồng về kế hoạch gia nhập trên, theo đó khu phía Đông thì hướng về Nga, trong khi khu phía Tây coi đây là một cơ hội để hòa nhập vào không gian của khối Bắc Đại Tây Dương. Còn Nga thì khẳng định, mở rộng NATO sang Ukraine là hành động khiêu khích đối với Nga và phá hỏng cam kết xây dựng hệ thống an ninh thống nhất ở châu Âu. 

Trước mắt, đòn cảnh báo của Nga là con bài khí đốt. Từ tháng 6 vừa rồi, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine với lý do chính phủ Ukraine không trả khoản nợ của nước này với Nga. Hệ quả là Ukraine đang phải đối mặt với khả năng thiếu khí đốt vào mùa đông. Kiev muốn cứu vãn tình hình bằng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Tuy nhiên, trong số 155 mỏ than của Ukraine, có tới 83 mỏ đang nằm trong tay của lực lượng đòi độc lập ở Donbass, 7 mỏ đã bị phá hủy hoàn toàn.

Ukraine sẽ chưa thể tiến xa theo hướng bắt chặt tay với phương Tây để đối đầu với Nga. Buộc phải ngồi vào đàm phán với Nga là sự thỏa hiệp trước mắt nhưng nó cũng góp phần mở cánh cửa cho việc giải quyết tình hình miền Đông Ukraine, cho dù cánh cửa đó còn khá hẹp.