"Cú sốc dầu mỏ" từ xung đột lợi ích

ANTĐ - Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới thời gian tới vẫn sẽ được duy trì ở mức rất thấp do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thể đạt được đồng thuận trong việc cắt giảm nguồn cung ra thị trường.

Các thành viên OPEC vẫn bất đồng với nhau trong việc cắt giảm sản lượng khai thác để nâng cao giá dầu mỏ hiện ở mức quá thấp

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong cuộc họp ngày 2-6 tại trụ sở tổ chức này ở Vienna (Áo) đã quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác dầu thô khi cho rằng sự phục hồi của giá dầu thô trên thế giới đã làm giảm sức ép hạn chế nguồn cung. Theo tổ chức chi phối thị trường “vàng đen” thế giới này, kể từ cuộc họp OPEC cuối cùng diễn ra tháng 12-2015 tới nay, giá dầu mỏ thế giới đã tăng hơn 80%, “cung và cầu cân đối”, sản xuất và dự trữ trong OPEC cũng được tiết chế hài hòa. 

Tuy nhiên, thực tế trong nội bộ OPEC về vấn đề sản lượng khai thác dầu thô không hề “sóng yên biển lặng” như biểu hiện ra bên ngoài tại cuộc họp ở Vienna. Dù rằng giá dầu thô thế giới đã cải thiện nhiều sau khi xuống tới mức đáy dưới 30 USD/thùng dầu vào tháng 1 năm nay song còn xa mới lên tới ngưỡng mong muốn của các nước xuất khẩu thứ nhiên liệu mang ý nghĩa sống còn đối với đời sống và nền kinh tế toàn cầu này.

Không ít trong số 12 thành viên OPEC muốn hạn chế sản lượng khai thác nhằm tăng giá dầu mỏ trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, một số thành viên tổ chức này, nhất là Arập Xêút và Iran - hai quốc gia chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng dầu thô của OPEC (khoảng 13 triệu thùng/31,5 triệu thùng dầu/ngày), lại không muốn cắt giảm sản lượng khai thác bởi lo sợ mất thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Kể từ tháng 6-2014, giá dầu thô từ mức trên 110 USD/thùng đã lao dốc không phanh hơn 70%, xuống chỉ còn 27 USD/thùng vào trung tuần tháng 1-2016 do tình trạng cung vượt cầu cũng như những quan ngại về viễn cảnh kinh tế toàn cầu. Việc sản lượng khai thác dầu thô đá phiến của Mỹ “bùng nổ” cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy giá dầu đi xuống.

Việc giá dầu thô xuống quá thấp, dù đã phục hồi lên mức trên dưới 60 USD/thùng như hiện nay, song vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế các quốc gia xuất khẩu dầu, trong đó có các thành viên của OPEC. Một số quốc gia OPEC như Algeria (sản lượng 1,1 triệu thùng/ngày), Nigeria (1,9 triệu thùng/ngày)… và đặc biệt là Venezuela (2,4 triệu thùng/ngày) đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi “cú sốc giá dầu” xuống thấp.

Không chỉ các quốc gia thành viên OPEC mà các quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn như Nga cũng muốn nâng giá dầu thô bằng cách đạt được một thỏa thuận tại cuộc họp ngày           2-6 tại Vienna về hạn chế sản lượng khai thác. Tuy nhiên, cả Arập Xêút và Iran đều nhất quyết phản đối, trong đó Iran cho rằng do mới được phương Tây hủy bỏ lệnh cấm vận từ tháng 1-2016 nên Tehran muốn đẩy mạnh khai thác để đạt được sản lượng trên 3 triệu thùng/ngày như trước khi bị cấm vận cách đây hơn 10 năm.

“Cú sốc giá dầu” với các nước xuất khẩu dầu mỏ vì thế là hệ quả của lợi ích cục bộ của một số thành viên OPEC, tổ chức nhiều thập kỷ qua đã chi phối thị trường “vàng đen” thế giới kể từ khi ra đời năm 1960. Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga (một trong những nhà khai thác dầu thô lớn của thế giới), ông Igor Sechin nhận định OPEC ngày nay thực sự không còn là một tổ chức thống nhất và đã đến lúc nên quên đi thời tổ chức này có thể quyết định thị trường dầu mỏ toàn cầu.