Cú “bắt tay ngầm”
(ANTĐ) - 24 máy bay ném bom F-16 từ căn cứ không quân chiến thuật của Thổ Nhĩ Kỳ đã mở các cuộc không kích ác liệt vào những vị trí của phiến quân thuộc đảng Công nhân người Cuốc (PKK) nằm sâu trong lãnh thổ Iraq.
Nguy cơ bùng nổ xung đột Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành chủ đề thời sự nhưng cú “bắt tay ngầm” đằng sau vụ việc này mới là chuyện làm nóng dư luận.
Các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị cất cánh đi không kích |
Khói bom còn chưa tan hết, tướng Y. Buyukanit, Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, người trực tiếp ra lệnh mở cuộc không kích, đã làm người ta bất ngờ khi thừa nhận rằng, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã được Mỹ chấp thuận. Tiết lộ với Hãng thông tấn Anatolian, tướng
Y. Buyukanit cho biết: “Đêm qua, Mỹ đã mở cửa không phận Iraq cho chúng tôi. Hành động này cho thấy sự chấp thuận của họ đối với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tất nhiên, phía Mỹ chẳng dại gì thừa nhận chuyện tày đình này. Đáp lại tuyên bố của tướng
Y. Buyukanit, một quan chức Sứ quán Mỹ tại Baghdad phản bác: “Chúng tôi không thông qua bất kỳ quyết định nào. Chúng tôi không có quyền thông qua”. Có điều, chẳng khó khăn gì để có thể hiểu, với vai trò “người chiếm đóng” của Mỹ ở Iraq như hiện nay, nếu không có chuyện Mỹ “bật đèn xanh”, làm sao vài máy bay Thổ Nhĩ Kỳ có thể vượt qua lưới lửa phòng không hiện đại do Mỹ kiểm soát.
Không những thế, báo chí Mỹ còn tiết lộ thêm rằng, chính các máy bay do thám hiện đại U2 của Mỹ đã giúp xác định các mục tiêu của phiến quân người Cuốc để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Đây là một phần trong thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Bush với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khi ông Erdogan thăm chính thức Washington hồi đầu tháng 11 vừa rồi. Theo đó, Mỹ sẽ chia sẻ thông tin tình báo với Thổ Nhĩ Kỳ để trả công cho vai trò của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố.
Vụ không kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy một sự thật : Hóa ra quyền lực của Baghdad chỉ tồn tại trên giấy, thực tế thì Baghdad vẫn chỉ đóng vai “bù nhìn” bởi chủ quyền lãnh thổ của mình vẫn do người ngoài định đoạt.
Với vai trò như vậy, làm sao Chính phủ Iraq đủ sức để vượt qua thử thách lớn nhất hiện nay là nguy cơ mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo. Chắc chắn vụ không kích của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là cái cớ cho nhiều lực lượng chính trị Iraq dựa vào để cáo buộc chính phủ không đủ sức để giải quyết các vấn đề đặt ra.
Hoàng Sơn