Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam sinh năm 1893

ANTĐ - Cụ bà Nguyễn Thị Trù năm nay 118 tuổi; cụ ông Huỳnh Văn Lạc ít hơn 8 tuổi…là 2 trong số 5 kỷ lục Việt Nam mới.

Ngày 12-9, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã chính thức công bố 5 kỷ lục của “Hành trình Bách niên trường thọ S100”- một chương trình tìm kiếm, giới thiệu và tôn vinh những cụ ông cụ bà thọ trên 100 tuổi đang sống ở mọi miền của Tổ quốc. Chương trình đồng thời cũng khai thác kho tàng về vốn sống, kinh nghiệm sống, bí quyết sống trường thọ của các cụ để giúp cho thế hệ hậu sinh có những bài học quí giá về phương pháp sống lâu.

Cụ bà 118 tuổi

Từ trung tâm huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) đến nhà cụ Nguyễn Thị Trù ở ấp 5, xã Đa Phước khoảng 20 km, cần vượt qua mấy cánh đồng của các xã lân cận. Do được Ban đại diện Hội người cao tuổi xã báo trước nên cụ Trù đã mặc bộ áo dài màu đỏ của Chủ tịch nước tặng dịp tết Nguyên đán vừa qua ra đón chúng tôi, miệng nhai trầu đỏ tươi. Mới nhìn cụ Trù chắc khó ai đoán nổi tuổi của cụ, bởi cụ có đôi mắt sáng, miệng cười rất tươi, dáng người manh mảnh, bước đi nhanh nhẹn như một phụ nữ trạc tuổi tứ tuần.

Cụ Nguyễn Thị Trù

Cụ Trù sinh được 11 người con, hiện cụ đang sống với người con trai út tên Nguyễn Hữu Phương (sinh năm 1942, năm nay 69 tuổi). Khi hỏi tuổi cụ Trù, ông Phương con trai út của cụ đã đưa ra cho chúng tôi xem chứng minh thư của cụ và quyển sổ hộ khẩu gia đình tất cả đều ghi rõ cụ Nguyễn Thị Trù sinh ngày 4 tháng 5 năm 1893. Như vậy, năm 2011 này cụ Trù đã 118 tuổi, và tính đến thời điểm hiện nay theo chúng tôi được biết thì chưa có người Việt Nam nào đạt được.

Cụ Trù vẫn còn khá minh mẫn. Cụ kể cho chúng tôi nghe về thời còn xuân trẻ từng tham gia đào hầm, nấu cơm tiếp tế lương thực cho bộ đội đánh thực dân Pháp rồi đánh Mỹ- ngụy. Mọi người dân trong ấp đều thán phục bởi cụ có sức khoẻ rất dẻo dai mà ăn uống lại đạm bạc, đơn giản nhưng điều độ, mỗi bữa cụ ăn 2 chém cơm. Đặc biệt cụ chỉ ăn rau mọc trong vườn và cá đánh bắt ngoài đồng, ngoài sông. Vì theo cụ, những thứ này ít bị nhiễm hóa chất của sản xuất và chăn nuôi nên sẽ ít bị bệnh tật hơn. Bởi vậy con cháu hiếm khi nhìn thấy cụ bị ốm đau, cụ bảo từ nhỏ đến giờ chưa phải uống đến viên thuốc nào. Hiện nay, hằng ngày cụ Trù vẫn có thể làm được các công việc lặt vặt trong nhà như quét dọn nhà cửa, lau chùi bàn ghế và nấu cơm giúp con cháu.

Nói về bí quyết sống lâu, cụ Trù nhoẻn miệng cười nói: "Không có bí quyết gì cả, hãy thương yêu giúp đỡ mọi người, đừng gây thù oán với ai và nếu có thể thì hãy làm từ thiện, như vậy tâm hồn sẽ được thanh thản là sống lâu thôi". Chòm xóm xung quanh nơi cụ Trù ở cho biết: cụ sống rất chan hòa với mọi người, chưa bao giờ thấy cụ bực tức với ai, con cháu trong nhà rất đoàn kết, luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

Cụ ông 110 tuổi

"Hãy sống thật vô tư sẽ là liều thuốc kéo dài tuổi thọ". Đó là bí quyết của cụ Huỳnh Văn Lạc 110 tuổi (sinh năm 1901) trú tại số nhà 98/1, khu phố 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Ở độ tuổi không chỉ xưa nay hiếm mà là rất, rất hiếm, cụ Lạc nói chuyện rất vui vẻ có pha chút hóm hỉnh, hài hước. Cụ nói, để có được sức khỏe như hôm nay cụ luôn tạo cho mình một phong cách sống thoải mái, vô tư, coi trọng đạo lý... Tính tham lam, nhỏ nhen và bon chen là nguyên nhân giảm tuổi thọ.

Cụ Huỳnh Văn Lạc

Long An, nơi có 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên 100 tuổi

1. Nguyễn Thị Vĩnh

Mẹ Vĩnh sinh năm 1911, năm 19 tuổi mẹ lập gia đình với ông Nguyễn Văn Tài, sinh được 8 người con. Thời kháng chiến chống Pháp mẹ làm công tác giao liên vận chuyển thuốc men, cung cấp cho cán bộ. Thời kháng chiến chống Mỹ, nhà mẹ là điểm nuôi dấu cán bộ. Năm 1964 mẹ bị địch bắt, năm 1968 mẹ được thả ra, năm 1960 chồng mẹ đã anh dũng hy sinh. Tính đến ngày giải phóng mẹ đã có 6 người con hy sinh, hiện mẹ sống tại ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

2. Nguyễn Thị Cẩn

Mẹ Cẩn sinh năm 1910, năm 20 tuổi mẹ lập gia đình với ông Trần Văn Ngân, mẹ có 4 người con hy sinh khi tuổi còn rất trẻ (3 người chưa lập gia đình). Thời chống Pháp và chống Mỹ mẹ hoạt động giao liên, xúc tôm bắt cá tiếp tế cho cách mạng. Năm 1963 anh Trần Văn Ngoan (con của mẹ) anh dũng hy sinh, đến nay chưa tìm được mộ. Cũng vào năm này, anh Trần Văn Xê đã hy sinh tại Xóm Chùa, xã Nhựt Ninh. Năm 1968, hai anh Trần Văn Bảy và Trần Văn Bổn tiếp tục hy sinh. Hiện nay mẹ sống tại ấp Bình Lợi, xã Phú Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

3. Nguyễn Thị Chanh

Mẹ Chanh sinh năm 1909, năm tuổi mẹ lập gia đình với ông Mai Văn Quơi, sinh được 10 người con (gồm 7 trai và 3 gái). Lúc còn trẻ mẹ làm công tác giao liên, bị địch bắt giam ở bót Long Thượng 24 ngày, không khai thác được gì, địch trả mẹ về. Mẹ có 3 người con hy sinh là Mai Văn Tân (hy sinh năm 1968), Mai Văn Càng (hy sinh năm 1970), Mai Văn Tấn (hy sinh năm 1970). Hiện nay mẹ sống với con cháu ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

4. Lâm Thị Tơ

Mẹ Tơ sinh năm 1907, năm 18 tuổi mẹ lấy chồng là ông Trần Văn Khanh. Chồng mẹ tham gia kháng chiến chống Pháp, năm 1955 ông hy sinh tại xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa. Mẹ có 3 người con trong đó có 2 người đã anh dũng hy sinh là Trần Văn Khuy (1968) và Trần Văn Đậm (1972). Hiện nay mẹ sống trong căn nhà tình nghĩa thuộc ấp Bình Tây, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Mẹ được hai đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời là Trường cấp 3 Mộc Hóa và Công ty Xây lắp 2 Bộ Xây dựng. Mẹ được thưởng Huân chương kháng chiến hạng 2.

5. Lê Thị Định

Mẹ Định sinh năm 1910, năm 18 tuổi mẹ lấy chồng là ông Trịnh Văn Tây. Mẹ Định đã từng bị địch bắt bỏ tù 2 năm vì tội nuôi dấu cách mạng (1971-1972). Ba người con của mẹ đã anh dũng hy sinh là Trịnh Văn Đo (1967), Trịnh Văn Chia (1967), Trịnh Thị Nguyệt (1970). Hiện nay mẹ sống tại xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Mẹ được 3 người con của anh Trịnh Văn Đo trực tiếp nuôi dưỡng, đó là đại tá Trịnh Văn Sa, Trung tá Trịnh Văn Phận và Trịnh Văn Phối hiện là Chủ tịch xã An Ninh Tây. Mẹ được Nhà nước phong tặng Huân chương độc lập hạng 3, Huân chương kháng chiến hạng 2.

6. Phạm Thị Chín

Mẹ Chín sinh năm 1912, năm 20 tuổi mẹ lấy chồng là ông Võ Văn Cang, sinh được 6 người con. Trong đó có 3 người con đã anh dũng hy sinh, đó là anh Võ Văn Chồn (hy sinh năm 1952), anh Võ Văn Huỳnh (hy sinh năm 1960) và anh Võ Văn Tám (hy sinh năm 1968). Những người con còn lại đều tham gia cách mạng. Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhà mẹ là nơi nuôi dấu cán bộ, mẹ thường đưa bộ đội qua sông. Hiện nay mẹ Phạm Thị Chín còn giữ một tấm ván xuồng để làm kỷ niệm. Mẹ Chín hiện đang sống tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

7. Nguyễn Thị Hai

Mẹ Hai sinh năm 1911, năm 17 tuổi mẹ lấy chồng là ông Trần Văn Can. Mẹ sinh được 6 người con (4 trai và 2 gái). Chồng mẹ tham gia kháng chiến chống Pháp, mẹ nuôi dưỡng cán bộ mặc dù nhà ở gần đồn bót địch. Mẹ có 3 người đã anh dũng hy sinh đó là Trần Văn Địch (1964), Trần Văn Nhạn (1968), Trần Văn Khoan (1970). Riêng anh Trần Văn Địch hy sinh khi mới lập gia đình được 19 ngày. Hiện nay mẹ chưa tìm được hài cốt của anh Trần Văn Nhạn và Trần Văn Khoan. Hiện mẹ sống tại khóm 1A thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

8. Nguyễn Thị Huỳnh

Mẹ Huỳnh sinh năm 1910, năm 20 tuổi mẹ lập gia đình với ông Nguyễn Văn Nhơn. Mẹ sinh được 4 người con (3 trai và 1 gái), lớn lên tất cả đều tham gia cách mạng, 3 người con trai đều hy sinh, đó là anh Nguyễn Văn Hữu (1968), Nguyễn Văn Hà (1968) và anh Nguyễn Văn Thêu (1969). Hiện nay mẹ sống với con gái là Nguyễn Thị Được tại xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

9. Lại Thị Ngữ

Mẹ Ngữ sinh năm 1908, năm 20 tuổi mẹ lấy chồng là ông Huỳnh Văn Tôn. Mẹ có người con trai duy nhất là anh Huỳnh Văn Quao đã anh dũng hy sinh năm 1969 khi chèo xuồng qua sông. Lúc còn trẻ mẹ rất khỏe mạnh, giỏi võ và ưa thích hò hát. Nhà mẹ là nơi nuôi dấu cách mạng. Hiện nay tuổi ngoài 100, mẹ vẫn khỏe mạnh, thỉnh thoảng vẫn biểu diễn võ thuật cho con cháu xem. Mẹ vẫn sống bằng nghề gói bánh tét tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Cặp song sinh cao tuổi nhất

Ở Việt Nam hiện nay, số người sống ở độ tuổi 100 và trên 100 không còn là chuyện hiếm nữa, nhưng để tìm ra được cặp song sinh thuộc hàng "bách niên giai lão" này, quả là đếm trên đầu ngón tay.Hai cụ Vi Thị Các và Vi Thị Đắc là một trong số những cặp song sinh hiếm hoi, hiện đã 100 tuổi.

Hai cụ Vi Thị Các và Vi Thị Đắc

Cụ Vi Thị Các và cụ Vi Thị Đắc sinh năm 1911 tại thôn Cam Chú, xã Đồng Cam, tỉnh Phú Thọ, trong một gia đình nghèo. Cuộc sống thời trẻ của các cụ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, lúc nhỏ cùng bố mẹ đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Chính điều đó đã tạo cho các cụ thói quen ưa lao động, cho đến tận bây giờ, dù tuổi đã cao.

Cụ Vi Thị Các có 4 người con, người con cả sinh năm 1936 đã qua đời năm 2009. Hiện cụ sống cùng người con trai thứ hai là Nguyễn Thanh Luyện, sinh năm 1940. Cụ Vi Thị Đắc có 5 người con, hai trai, ba gái. Người con cả của cụ sinh năm 1931 cũng đã qua đời năm 2007. Hiện cụ đang ở cùng vợ chồng người con trai thứ năm Nguyễn Văn Ất với các con và cháu.

Dù tuổi đã cao, trí nhớ cụ Các và cụ Đắc hãy còn tốt, đặc biệt hai cụ có thể tự chăm sóc bản thân và vệ sinh cá nhân như thay quần áo, tắm giặt...Khi được hỏi về "bí quyết" giữ gìn sức khỏe của hai cụ, ông Nguyễn Văn Ất cho biết: "Các cụ sống đơn giản lắm, không quan tâm đến bí quyết là gì đâu. Điều quan trọng nhất là tuy cuộc sống thiếu thốn, nhưng các cụ luôn vui vẻ và thích lao động. Ở độ tuổi này, các cụ vẫn làm việc lặt vặt giúp con cháu tại nhà như nhổ cỏ, hái rau, trông cháu...". Thế còn việc ăn uống của các cụ thì sao? Ông Ất chia sẻ: "Hàng ngày các cụ ăn ba bữa, sáng thường là một bát cháo, trưa và tối mỗi bữa hai lưng cơm. Ngoài ra, xen kẽ giữa các bữa ăn còn có trái cây như chuối, cam hay bánh ngọt".

Cặp vợ chồng cao tuổi nhất

Tại số nhà 98/1, khu phố 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh có một cặp vợ chồng mà tổng tuổi thọ của hai người là 216 năm và cả hai đều còn khá minh mẫn. Đó là cụ ông Huỳnh Văn Lạc 110 tuổi (sinh năm 1901) và cụ bà Nguyễn Thị Lành 106 tuổi (sinh năm 1905). Điều mà chúng tôi thấy nổi bật ở 2 cụ là tinh thần lạc quan, vui vẻ. 

Cụ Lạc và cụ Lành đã có 82 năm chung sống bên nhau

Hai cụ lấy nhau năm 1929, lúc bấy giờ cụ Lạc 28 tuổi còn cụ Lành 24 tuổi, tính đến năm 2011 các cụ đã có 82 năm chung sống bên nhau. Các cụ nói, thời xưa người ta thường kết hôn ở độ tuổi còn rất trẻ, so với thanh niên trong làng thì các cụ lấy nhau rất muộn, vì cụ Lạc mồ côi cha mẹ, còn cụ Lành là con út, kinh tế gia đình khó khăn, chần chừ mãi rồi hai cụ mới giám cưới nhau.

Bà Huỳnh Thị Hoa (71 tuổi, con gái của hai cụ) nói: "Ba mẹ tôi rất yêu thương nhau. Mặc dù có các con các cháu nhưng bà vẫn tự tay chăm sóc cho ông". Chia sẻ về kinh nghiệm của 82 năm chung sống, cụ Lạc nói: "Trong cuộc sống vợ chồng phải biết nhường nhịn nhau, tuyệt đối tránh cãi nhau và đặc biệt phải biết chia sẻ cùng nhau khi có niềm vui cũng như nỗi buồn...". Khi hỏi về bí quyết trường thọ, cụ Lành nói: "Hãy sống hòa nhã với mọi người, luôn tạo niềm vui trong cuộc sống, đừng để buồn phiền chế ngự lương tâm, duy trì tập thể dục thường xuyên và sinh hoạt phải điều độ...".