Công nghệ nào chặn các vụ khủng bố bằng xe tải?

ANTD.VN - Nice, Berlin, London và mới đây là Stockholm, hàng loạt thành phố lớn của châu Âu đều đã xảy ra các vụ tấn công khủng bố bằng xe tải. 

Khách du lịch đi quanh rào chắn an ninh trước đài tưởng niệm Lincoln ở Washington (Mỹ)

Đối với các nhà chức trách, súng và chất nổ có thể bị cấm nhưng xe cơ giới thì không thể vì chúng là phương tiện rất quan trọng. Vậy làm thế nào để bảo vệ thành phố trước một cuộc tấn công như vậy? Với những kẻ muốn gây ra các vụ giết người hàng loạt, xe tải có thể trở thành một loại vũ khí lợi hại vì có được một chiếc xe tải dễ dàng hơn rất nhiều so với vũ khí hay chất nổ mà đôi khi hậu quả nó gây ra còn tàn khốc hơn.  Do vậy, ngăn chặn những vụ khủng bố bằng phương tiện cơ giới xem ra không đơn giản.

Rào chắn kim loại

Kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều thành phố ở Bắc Mỹ và châu Âu đã lắp đặt những rào chắn được thiết kế nhằm ngăn chặn các phương tiện tiến đến gần nơi có thể là mục tiêu khủng bố. Những biện pháp này thực sự đã có từ trước khi số vụ tấn công bằng xe cộ tăng lên, chủ yếu để đối phó với các vụ bom xe giống như đã xảy ra tại các đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi năm 1998.

Khi được lắp đặt lần đầu ở Washington, những hàng rào chắn này rất thô sơ, chỉ là những khối xi măng lớn có tên “hàng rào kim loại” đặt xung quanh các tượng đài và tòa nhà chính phủ. Rõ ràng sự hiện diện của chúng có thể trông không  hề đẹp mắt. Năm 1998, một bài báo của nhà phê bình kiến trúc Benjamin Forgey đăng trên tờ Washington Post đã lên tiếng: “An toàn thì phải xấu xí chăng?”.

Kể từ đó, người ta đã cố gắng thiết kế những rào chắn này tinh tế hơn và hòa hợp với môi trường xung quanh. Chúng thường được ngụy trang thành chậu hoa, tường trang trí hay thậm chí các tác phẩm điêu khắc. Những chiếc cọc bảo vệ có kiểu dáng đẹp được xem là đã ngăn chặn được một số vụ tấn công khủng bố, trong đó có cuộc tấn công sân bay Glasgow năm 2007. Khi đó, một chiếc xe chở đầy các thùng chứa khí gas đã bị những chiếc cọc chặn lại và ngăn ngừa được thương vong cho thường dân.

Theo Viện Khoa học xây dựng quốc gia Mỹ, những chiếc cọc có tác dụng ngăn cản các cuộc tấn công bằng xe hiện được lắp đặt bên ngoài hầu hết các tòa quân đội và chính phủ, các công trình dân sinh và những khu vực cần độ an toàn cao. Những biện pháp tương tự cũng được sử dụng ở các nước khác như Anh. Tại đây, nhiều cọc và rào chắn được thiết kế có khả năng  chặn xe 7 tấn đi với vận tốc 80km/h.

Cảnh giác với những “mục tiêu mềm”

“Câu hỏi quan trọng mà vụ việc ở Stockholm đặt ra cho London là liệu chúng ta có thể hoặc có nên tìm cách bảo vệ tất cả những địa điểm đông người trong một thành phố?”, Jon Coaffee, một giáo sư Địa lý đô thị của trường Đại học Warwick, Anh đặt vấn đề. Thực tế là ngoài các tòa nhà của chính phủ hay  những khu vực nhạy cảm, nhiều mục tiêu tiềm năng khác không được bảo vệ.

Lợi dụng điểm yếu này, các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khuyến khích các cuộc tấn công nhằm vào “các mục tiêu mềm” được bảo vệ ít nhất. Cuộc tấn công ở Nice, Pháp diễn ra trên bãi biển. Ở Berlin, bọn khủng bố tấn công ở một chợ Giáng sinh, ở Stockholm là một trung tâm mua sắm. Thậm chí trong vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở trung tâm London vốn được bảo vệ kỹ  lưỡng, vụ thảm sát diễn ra chủ yếu trên cây cầu gần đó.

Bảo vệ được tất cả các “mục tiêu mềm” là điều rất khó, nếu như không muốn nói là không thể. Sau vụ tấn công ở Đức, Cảnh sát trưởng Berlin Klaus Kandt từng thừa nhận rằng những chiếc cột  và  chướng ngại vật khác không thể ngăn chặn hoàn toàn các cuộc tấn công.  Tuy nhiên, cuộc tấn công ở Berlin lại cho thấy một giải pháp khác. Chiếc xe tải 40 tấn Scania PRT trong vụ tấn công trên được cho là đã bật hệ thống phanh khi vụ việc xảy ra. Liên minh châu Âu đã yêu cầu bắt buộc đối với mọi xe tải hạng nặng phải có hệ thống phanh này. Trên tờ Süddeutsche Zeitung, các quan chức Chính phủ Đức nói rằng chính công nghệ đã “cứu mạng người”.