Công dân Trung Quốc hầu tòa ở Mỹ vì tội gián điệp

ANTD.VN - Người đàn ông mà Mỹ cáo buộc là quan chức tình báo của Trung Quốc mới đây đã phải hầu tòa vì tội đánh cắp bí mật thương mại sau khi được dẫn độ từ Bỉ về Mỹ.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Yanjun Xu, người còn được biết đến tên gọi Qu Hui và Zhang Hui, đã cố gắng đánh cắp dữ liệu thương mại từ những công ty hàng không và vũ trụ của Mỹ. GE Aviation, một chi nhánh của tập đoàn General Electric, được cho là mục tiêu hàng đầu.

Công dân Trung Quốc này bị cáo buộc là một quan chức cấp cao của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, cơ quan chuyên có nhiệm vụ chống tình báo và do thám nước ngoài. Ông bị bắt ở Bỉ vào ngày 1-4 trong một chiến dịch mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phối hợp với chính quyền Bỉ.

Theo bản cáo trạng được phía Mỹ đưa ra, từ năm 2013, ông Xu, dưới danh nghĩa làm việc cho một cơ quan nghiên cứu hàng không của Trung Quốc, đã mời các chuyên gia hàng không từ những tập đoàn lớn của Mỹ đến Trung Quốc với lí do diễn thuyết tại các trường đại học và thuyết phục họ tiết lộ nhiều bí mật bằng nhiều cách khác nhau.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp nhiều bí mật thương mại và công nghệ

Ông Xu đối mặt với 4 tội danh hình sự, trong đó bao gồm âm mưu và thực hiện hoạt động do thám kinh tế, cũng như đánh cắp bí mật thương mại. Ông đã phải hầu tòa Cincinnati vào hôm 11-10, chỉ một ngày sau khi dẫn độ về Mỹ. Nếu bị kết tội, ông sẽ ngồi tù lên tới 25 năm.

Washington từng tìm được nhiều cách để dẫn độ các công dân nước ngoài về Mỹ xét xử. Tuy nhiên, vụ việc này mang tính đặc biệt do đây là lần đầu tiên một quan chức tình báo Trung Quốc bị dẫn độ từ một nước thứ 3 về Mỹ.

Vụ xét xử ông Xu diễn ra cùng ngày Giám đốc FBI Christopher Wray gọi Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài và phức tạp nhất đối với lợi ích của Mỹ khi nước này tìm đủ mọi cách để đánh cắp bí mật thương mại và các sáng kiến.

Sự do thám của Trung Quốc đối với các bí mật thương mại và tài sản trí tuệ của Mỹ cũng là một phần lí do Tổng thống Trump tuyên bố áp đặt thuế lên hàng hóa Trung Quốc, đồng thời gia tăng sức ép để quốc gia châu Á thay đổi chính sách của mình.