Công cụ can thiệp lỗi thời

ANTD.VN - Những đánh giá phiến diện và sai lệch về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong bản phúc trình thường niên của Mỹ từ lâu đã bị nhận diện là công cụ can thiệp vào công việc nội bộ, song đáng tiếc nó vẫn lặp đi lặp lại hết năm này sang năm khác, đi ngược xu thể phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Mọi hoạt động tự do tín ngưỡng - tôn giáo ở Việt Nam đều được bảo đảm và tôn trọng trong thực tiễn đời sống

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố cái gọi là “Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới”, trong đó có một phần về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Và cũng chẳng khác là bao bản phúc trình về tự do tôn giáo thế giới những năm trước, phần đề cập tới Việt Nam dù có đôi chút điều chỉnh và cập nhật hay tỏ vẻ “khách quan” khi ghi nhận một số tiến bộ về việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, song tựu trung vẫn toát lên sự kỳ thị và xuyên tạc tình hình thực tế về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Thực chất, phần về Việt Nam trong bản phúc trình tự do tôn giáo năm 2016 của Mỹ vẫn giữ những luận điểm cũ mòn cùng những đánh giá không dựa trên thực tế, phiến diện, không khách quan về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam khi tiếp tục cáo buộc Việt Nam “hạn chế tự do tôn giáo”, “kiểm soát, ngăn cấm hoạt động của các tổ chức tôn giáo không được thừa nhận”… Thậm chí, bản phúc trình này còn có cách đánh giá mang tính phủ nhận những tiến bộ trong bộ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 11-2016 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Có thể nói ngay rằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016 là một thành tựu, bước tiến không thể phủ nhận của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.  Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân không chỉ được đảm bảo rõ ràng bằng Hiến pháp và pháp luật mà còn đi vào hơi thở cuộc sống thường nhật của mỗi người dân trên dải đất hình chữ S.  

Tại Việt Nam đến nay đã có 38 tổ chức tôn giáo với hơn 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% số dân cả nước), 80.000 chức sắc và khoảng 26.000 cơ sở thờ tự. Khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức hằng năm, tính ra mỗi ngày có hơn 23 lễ hội diễn ra khắp nước. 

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam là điều không thể phủ nhận hay xuyên tạc. Điều này được minh chứng qua việc thiết lập quan hệ với Vatican từ năm 1989 và Vatican đã cử Ðại diện không thường trú tại Việt Nam từ năm 2011, trong khi đại diện các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế lớn trên thế giới đều đã nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận việc đảm bảo quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam nói riêng.

Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 chính là ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong đảm bảo các quyền con người, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ông Bob Roberts, mục sư cao cấp của Hội thánh Tin lành Northwood với 130 nhà thờ khắp nước Mỹ, sau khi thăm Việt Nam đã nhận xét: “Các tôn giáo ở Việt Nam đều đang phát triển. Tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện để người dân được thực hành tôn giáo của mình”. 

Tại Việt Nam không hề có bất cứ sự cản trở hay cấm đoán nào với mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật bảo đảm cho mọi hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo, song luật pháp cũng nghiêm khắc với tất cả cá nhân hay những hoạt động “núp bóng” lợi dụng danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo để có những hành vi vi phạm pháp luật. 

Bức tranh tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam sáng rõ như ban ngày như vậy, tại sao phần về Việt Nam trong phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo của Mỹ vẫn cố tình phớt lờ thực tế để cố tình xuyên tạc trong vấn đề này? Cũng giống như “Phúc trình về tình hình nhân quyền thế giới”, “Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới” do Bộ Ngoại giao Mỹ biên soạn, đây là sản phẩm thường niên từ thời Chiến tranh Lạnh, là công cụ để phục vụ mục đích chính trị, nhằm can thiệp vào công việc nội bộ, gây sức ép với Việt Nam. 

Nay, Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ, trở thành “Đối tác toàn diện” của nhau. Những công cụ lỗi thời như “phúc trình về nhân quyền” hay “phúc trình về tự do tôn giáo” không thể cản bước tiến mạnh mẽ, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước Mỹ và Việt Nam. Bởi thế, cứ bám riết lấy công cụ này là một việc làm đáng xấu hổ, cần phải bị lên án mạnh mẽ.