"Cơn gió ngược" trong năm mới

ANTĐ - Kinh tế thế giới đang phát đi những tín hiệu tích cực trong năm 2016. Tuy nhiên, sự lạc quan đó không phải xuất hiện đều ở tất cả các khu vực trên toàn cầu.

"Cơn gió ngược" trong năm mới  ảnh 1

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất đang tác động mạnh đến các nền kinh tế mới nổi

2016 là năm có rất nhiều sự kiện đáng chú ý, ảnh hưởng lớn tới kinh tế thế giới: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng sẽ được Quốc hội 12 nước thành viên thông qua; nước Mỹ tiến hành bầu cử tổng thống; Olympic mùa hè diễn ra ở Brazil; Trung Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm mới; Anh tiến hành trưng cầu dân ý về việc có nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu (EU) hay không… 

Dựa trên tác động của các sự kiện đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2016 sẽ ở mức 3,6%, cao hơn so với 3,1% năm 2015 và tương đương trung bình 3,5% giai đoạn 1980-2014. Trong khi đó, dự báo của Liên hiệp quốc (LHQ) lại có phần thận trọng hơn, khi cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 chỉ đạt 2,9%.

Khả quan nhất là kinh tế Mỹ.

Với việc thị trường việc làm được cải thiện rõ rệt, nhu cầu trong nước được thúc đẩy bởi tiêu dùng hộ gia đình thông qua việc tăng sức mua, tăng lương và tăng đầu tư từ khu vực dân cư, Mỹ đang trở thành đầu tàu cho tăng trưởng toàn cầu. Dù GDP trong năm nay của Mỹ sẽ chỉ tăng khoảng 2,5%, thấp hơn so với mức 3% trong giai đoạn trước khủng hoảng vào năm 2008, kinh tế Mỹ vẫn ổn định nhất.

Bên kia Đại Tây Dương, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đang có nhiều chuyển động nhằm bắt kịp nhịp độ tăng trưởng của Mỹ. Mặc dù chỉ thực sự phục hồi từ năm 2014, Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 1,8% vào năm 2016 và 1,9% trong năm kế tiếp. Trong khi đồng euro yếu giúp kích thích xuất khẩu, thì việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định hạ lãi suất đồng euro cùng với việc kéo dài chương trình nới lỏng định lượng, đã tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực phục hồi kinh tế châu Âu. Ngoài ra, sự sụt giảm mạnh của giá dầu cũng cải thiện sức mua và tình hình tài chính của doanh nghiệp. 

Trái ngược với Mỹ và châu Âu, các nước mới nổi chịu nhiều sức ép trong năm 2016 đến từ năng lực nội tại yếu và sự suy giảm tốc độ tăng trưởng do bất lợi về giá nguyên liệu đầu vào, cũng như sự bất ổn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất. Trong số các nước mới nổi, khu vực Nam Mỹ đáng lo ngại nhất vì chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá các loại nguyên liệu đầu vào cũng như từ sự suy giảm sản lượng xuất khẩu, dẫn đến sụt giảm tổng giá trị xuất khẩu.

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), kinh tế Brazil có nguy cơ giảm phát, trong khi Nga có thể đối diện với tình trạng tăng trưởng ở mức âm 4,7% trong năm tới. Kinh tế Trung Quốc cũng đang tăng trưởng chậm lại. Nhìn tổng thể, các nền kinh tế mới nổi đã trở nên dễ bị tổn thương bởi sự mất giá thường xuyên của đồng nội tệ so với USD do dự trữ ngoại hối giảm, nợ ngoại tệ của doanh nghiệp cao và sự sụt giảm của giá nguyên liệu thô.

Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, làn sóng thoái vốn khỏi các nước mới nổi sang Mỹ có thể diễn ra, khiến kinh tế các nước mới nổi sẽ chỉ có mức tăng trưởng thấp, kéo theo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ mới. Đó là những dấu hiệu xấu mà LHQ gọi là những “cơn gió ngược” đang phảng phất trên khắp thế giới. Dù đã tăng trưởng ổn định nhưng khả năng quay trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và đồng bộ là điều rất khó khăn với nền kinh tế toàn cầu.